Sau khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi gà siêu đẻ trứng có tiềm năng trong khi các trang trại còn ít, anh Nguyễn Như Đức (xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) đã quyết định khởi nghiệp bằng mô hình này.
Doanh thu 7 tỷ đồng/năm
"Khi bắt tay vào nuôi gà siêu đẻ trứng, tôi gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm đó, ở Hà Tĩnh chưa có mô hình nào nuôi quy mô lớn. Kỹ thuật chăn nuôi gà siêu đẻ trứng không phổ biến, trên sách báo, mạng internet còn hạn chế. Để tích luỹ kiến thức, tôi phải tìm đến các trang trại nuôi gà lớn ở các tỉnh phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm, nhưng họ cũng không hướng dẫn cụ thể", anh Đức chia sẻ
Năm 2019, anh Đức đã mạnh dạn đầu tư 1,4 tỷ đồng để xây dựng 370m2 nhà xưởng và nuôi 5.000 con gà giống ISA Brown trên tổng diện tích 3 ha đất tại xã Cẩm Quang.
Do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi đã khiến trang trại gà siêu đẻ trứng của HTX có năng suất kém, gà chết do bệnh. Trong lứa đầu tiên, trang trại gà thua lỗ 300 triệu đồng.
"Mới bắt đầu khởi nghiệp mà bị thua lỗ lớn khiến tôi suy sụp, đã nhiều lần có ý định bỏ cuộc. Nhiều đêm trằn trọc, không ngủ được, xem đây là đứa con tinh thần của mình, nên quyết tâm làm lại. Tôi bắt đầu tìm đến các chuyên gia để nhờ tư vấn, hướng dẫn thêm về kỹ thuật", anh Đức nhớ lại.
![]() |
Mô hình nuôi gà siêu đẻ trứng của anh Nguyễn Như Đức cho doanh thu cao. |
Năm 2020, anh đã mạnh dạn thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Như Gia do anh làm giám đốc.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, đến nay, HTX Như Gia đã có hệ thống chuồng trại 2.200m2 với quy mô 24.000 con (gồm giống gà Isa Brown và gà D310), tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng.
Trung bình mỗi ngày, trại gà của HTX "xuất chuồng" khoảng 8.500 quả trứng. Với giá bán 2.350 đồng/quả, đạt doanh thu 7 tỷ đồng/năm.
Theo anh Đức, gà ISA Brown là giống gà chuyên đẻ hay chuyên trứng có nguồn gốc tại Hà Lan. Giống gà này là giống lai, hình thành do việc lai tạo giữa giống gà Rohde đỏ với gà Rohde trắng của công ty Hubbard ISA, do đó còn gọi là gà Hubbard.
Còn gà D310 được đánh giá có sức đề kháng cao, ít xảy ra dịch bệnh, sở hữu tỷ lệ đẻ tại các trại gà rất ổn định. D310 cho năng suất trứng đều, vỏ dày và bóng; trứng thơm ngon, hợp khẩu vị của người tiêu dùng.
Điều quan trọng để gà đẻ đều và chất lượng trứng cải thiện là trang trại chăn nuôi phải được thiết kế kiên cố, có hệ thống chiếu sáng, cung cấp nước uống và thu gom trứng tự động, quạt thông gió hút mùi làm mát chuồng trại, đảm bảo ấm áp về mùa đông, thông thoáng và mát mẻ về mùa hè.
Trứng gà của HTX được cung cấp cho nhà máy sản xuất bánh kẹo và các chợ đầu mối trong tỉnh Hà Tĩnh, các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học. Nhờ tiêu chí an toàn, luôn đảm bảo tươi mới mỗi ngày nên sản phẩm trứng gà của HTX được thị trường ưa chuộng.
Mô hình tiêu biểu cần nhân rộng
Không chỉ tạo hiệu quả kinh tế cao, mô hình chăn nuôi gà siêu đẻ trứng của anh Nguyễn Như Đức còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương từ 6,5 - 9 triệu đồng/tháng.
"Hiện nay, mô hình phát triển tốt, không chỉ làm giàu cho gia đình mà HTX đã tạo công việc cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ những mô hình như HTX Như Gia đã góp phần giúp địa phương hướng đến mục tiêu nông thôn mới nâng cao", đại diện UBND xã Cẩm Quang nhấn mạnh.
Thời gian qua, UBND xã đã khuyến khích bà con trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng, nâng cao thu nhập.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, HTX dịch vụ tổng hợp Như Gia nuôi gà siêu đẻ trứng là mô hình nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Nhờ những mô hình như HTX Như Gia đã góp phần giúp địa phương hoàn thiện chỉ tiêu giảm nghèo, hướng đến mục tiêu nông thôn mới nâng cao.
![]() |
HTX Như Gia đã tạo công việc cho nhiều lao động tại địa phương. |
Anh Nguyễn Như Đức tuy còn trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà trên quy mô lớn. Liên kết với nhiều hộ dân làm vệ tinh chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho HTX và thành viên. HTX được cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện về đất đai mở rộng sản xuất tạo doanh thu, lao động ngày càng lớn.
HTX dịch vụ tổng hợp Như Gia cũng là một trong 63 HTX tiêu biểu trong toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2024 trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024.
“Đây là mô hình tốt cần nhân rộng. Về phía Liên minh HTX sẽ tạo điều kiện tối đa để HTX được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh HTX tỉnh và quỹ của Liên minh HTX Việt Nam”, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Theo Liên minh HTX tỉnh, năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.009 HTX. Vốn điều lệ bình quân 2,002 tỷ đồng/HTX; doanh thu bình quân đạt 1,3 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 288 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 4 triệu đồng/người/tháng...
Toàn tỉnh hiện có 2.623 tổ hợp tác, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở hợp tác liên kết để sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời kết nối để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các thành viên. Ngoài ra, có 3 liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động.
Liên minh HTX tỉnh đánh giá, đến nay, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó hình thành được chuỗi liên kết vào sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển theo chuỗi giá trị cũng giúp các HTX tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn.
Để hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phát triển, năm 2024, Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam đã tăng cường thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về kinh tế tập thể; tập huấn nâng cao năng lực cho HTX, tổ hợp tác; chủ động tham mưu đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế tập thể.
Hoạt động hỗ trợ các HTX tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm cũng được quan tâm. Liên minh HTX tỉnh cũng phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn các HTX, liên hiệp HTX áp dụng các quy định, chủ trương của Nhà nước vào sản xuất, vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX, quỹ tín dụng nhân dân để phần nào tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.
“Trái ngọt” trong công tác giảm nghèo
Bên cạnh việc lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp, đồng hành cùng người dân trong sản xuất, chăn nuôi, UBND huyện Cẩm Xuyên còn triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu giảm nghèo về thông tin. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2024, huyện xây dựng 3 chương trình truyền hình và 7 chương trình phát thanh; tổ chức 6 lớp bồi dưỡng tập huấn nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng cho 1.600 cán bộ thông tin, tuyên truyền và bí thư chi bộ, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng các chi đoàn, chi hội thôn, tổ dân phố.
Song song với đó, đơn vị tổ chức 23 hội nghị truyền thông, đối thoại về các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện. Công tác tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo được chú trọng với 18 hội nghị, thu hút 1.800 thành viên ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và đội ngũ người làm công tác giảm nghèo tham gia.
Với nhiều cách làm hiệu quả và đồng bộ trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2021 – 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên duy trì mức giảm từ 0,5% đến 1,0%/năm, từ đó đóng góp vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh.
Trên quy mô toàn tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa qua ban hành quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 9.236 hộ (với 19.109 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 2,40% (giảm 2.336 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,97%); tổng số hộ cận nghèo 11.736 hộ (với 34.921 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 3,04% (giảm 1.211 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,33% ).
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 được phê duyệt là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội của tỉnh và từng địa phương trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Toàn tỉnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 - 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các mô hình chủ yếu là hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, chăn nuôi bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi… ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn.
Linh Đan