Những năm gần đây, nhờ ăn nên làm ra, biết ứng dụng công nghệ số trong bán hàng đã giúp HTX Sản xuất nấm, ổi hữu cơ Hồng Lý (ở Thôn Py Ây 1, Xã Quảng Nhâm) và HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch A Lưới (ở xã A Ngo) trở thành điểm sáng trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế ở huyện A Lưới.
Dùng nền tảng số để bán hàng
Điển hình như HTX Sản xuất nấm, ổi hữu cơ Hồng Lý, các thành viên đã biết “đầu tư” điện thoại thông minh để giới thiệu sản phẩm bán hàng online trên mạng xã hội, thu hút nhiều người vào xem trực tiếp và ủng hộ. Nhất là nhờ đẩy mạnh livestream để giới thiệu sản phẩm mà mỗi tháng HTX xuất ra thị trường 6 tạ nấm.
![]() |
Nhờ tham gia HTX và được tập huấn ứng dụng nền tảng số để bán hàng giúp cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở A Lưới cải thiện sinh kế. |
Theo bà Đặng Thị Hồng, Giám đốc HTX, thời gian đầu các chị em phụ nữ là thành viên HTX rất lạ lẫm với các khái niệm như chuyển đổi số, marketing...Tuy nhiên, khi thấy sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở xa một cách dễ dàng nên các thành viên nỗ lực học hỏi để quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng Zalo, Facebook, TikTok và các nền tảng số công nghệ phổ biến khác để giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho các phụ nữ là thành viên HTX”, chị Hồng chia sẻ.
Còn với HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch A Lưới (nơi có đông thành viên là chị em phụ nữ), hiện nay đã sở hữu 22 cửa hàng rau sạch tại Tp.Huế. Ngoài ra, hệ thống nhà hàng, khách sạn, trường học bán trú và các chợ trên địa bàn A Lưới đều là mối bán hàng sỉ, lẻ của HTX.
Ngoài ra, nhắc đến HTX này, nhiều người sẽ ấn tượng với hình ảnh các chị mặc trang phục dân tộc ở A Lưới khi livestream bán hàng. Với nụ cười hồn nhiên, say sưa giới thiệu sản phẩm “thật như đếm” nên chẳng mấy chốc chục trứng gà, mớ măng rừng và cả chai mật ong của các chị được khách hàng chốt đơn nhanh gọn.
Theo chị Hồ Thị Nga, Giám đốc HTX, từ thực tế bán hàng qua các nền tảng xã hội giúp thu nhập của chị em thành viên HTX tăng lên. Giờ đi đâu ở Huế cũng dễ bắt gặp sản phẩm của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch A Lưới.
Chị Nga cho biết nhờ được chính quyền huyện A Lưới hỗ trợ tham gia tập huấn về kỹ năng bán hàng qua mạng mà các chị em thành viên HTX biết cách làm những clip ngắn, giới thiệu, quảng bá các mặt hàng trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo...Nhờ vậy, khách ở nhiều nơi bắt đầu biết đến sản phẩm sạch của chị em vùng cao.
Vượt trở ngại để đưa sản phẩm vươn xa
Bên cạnh 2 HTX nêu trên, ở A Lưới còn có một số HTX, tổ hợp tác với các thành viên chủ chốt là chị em phụ nữ, đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nữ tại địa phương. Lĩnh vực chủ yếu được chị em lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm đặc sản địa phương.
![]() |
Ở A Lưới có các HTX và tổ hợp tác dệt thổ cẩm Zèng đã giúp cho công việc sản xuất Zèng của phụ nữ dân tộc thiểu số ở A Lưới đi vào bài bản, chuyên nghiệp. |
Ngoài ra, trong huyện A Lưới còn phải kể đến các HTX và tổ hợp tác dệt thổ cẩm Zèng tập trung ở các xã biên giới của A Lưới như Quảng Nhâm, A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn, xã A Ngo, thị trấn A Lưới…Hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đã giúp cho công việc sản xuất Zèng của phụ nữ dân tộc thiểu số đi vào bài bản, chuyên nghiệp.
Điều khiến các thành viên của những HTX, tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm Zèng phấn khởi là thông qua sự kết nối của HTX, tổ hợp tác thì nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các bản làng xa xôi ở A Lưới có những đơn hàng giá trị, góp phần cải thiện sinh kế.
Để giúp đầu ra sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác ngày một thuận lợi thì Hội Liên hiệp phụ nữ huyện A Lưới đã mở các lớp bán hàng trực tuyến để các HTX tổ chức cho thành viên tham gia để từ đó ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm của cơ sở vươn xa hơn trên thị trường.
Thực ra, không phải HTX nào ở A Lưới cũng giỏi trong việc ứng dụng công nghệ để bán hàng. Trở ngại lớn nhất đối với phụ nữ ở vùng cao này là thiếu điều kiện trang bị các thiết bị thông minh để tiếp cận công nghệ số. Thậm chí điện thoại quá cũ, tốc độ xử lý chậm nên nhiều chị em mất khách hàng.
Đó là chưa kể nhiều gia đình chưa được phủ sóng internet nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số. Có chị tham gia tổ liên kết các mô hình, nhưng vẫn chưa mạnh dạn bán sản phẩm trên nền tảng số, vẫn giữ thói quen truyền thống là đưa hàng ra chợ.
Cho nên, việc giúp phụ nữ A Lưới có cơ hội tăng tốc giảm nghèo, phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông đặc sản địa phương và ứng dụng công nghệ trong bán hàng là rất quan trọng.
Chính vì vậy, mong rằng thời gian Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng cho Liên minh HTX Tp.Huế phối hợp với chính quyền địa phương ở A Lưới có những hoạt động cụ thể để phát triển hơn nữa các mô hình này. Nhất là tổ chức các lớp tập huấn cho các nữ thành viên HTX bán hàng qua nền tảng số, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ nông đặc sản. Từ đó giúp đầu ra của các HTX ngày càng khơi thông để chị em phụ nữ ở A Lưới cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Mặt khác, ở A Lưới các chị em phụ nữ (nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số) còn quen với lối canh tác manh mún, truyền thống, trình độ tiếp nhận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn thấp và chưa tận dụng hết thế mạnh về sản vật địa phương.
![]() |
Việc phát triển kinh tế hợp tác và tổ chức các lớp tập huấn nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho chị em phụ nữ A Lưới là rất quan trọng. |
Vì thế các HTX sản xuất kinh doanh nông đặc sản khi nhắm đến việc mở sinh kế cho các phụ nữ địa phương thì nên cố gắng thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho họ phù hợp với xu thế mới hiện nay.
Chẳng hạn tận dụng thế mạnh riêng của địa phương là nông sản, đặc sản vùng núi. Khi phát triển mô hình HTX với ưu tiên dành cho phụ nữ ở A Lưới thì cần tìm đến từng hộ gia đình có khả năng đáp ứng được yêu cầu, kiên trì phân tích cái hay, cái lợi để xây dựng được mối liên kết sản xuất nông sản, đặc sản an toàn. Rồi HTX cần nỗ lực kết nối nhằm hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí từ các chuyên gia, các dự án để nâng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường vào hệ thống siêu thị…
Và chính từ việc xây dựng các HTX tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh tế do phụ nữ quản lý là cách làm giúp cho chị em phụ nữ A Lưới phát huy thế mạnh của địa phương, vừa làm giàu cho bản thân vừa tạo việc làm cho các hội viên khác, đồng thời cũng là cách tạo tính liên kết trong sản xuất phù hợp với xu thế hiện nay.
Thực tế cho thấy, để giúp cho chị em phụ nữ ở A Lưới nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững thì điều cốt lõi là việc trao “cần câu” cho họ sao hợp lý với vai trò dẫn dắt quan trọng của kinh tế tập thể.
Đặc biệt là cần giúp chị em phụ nữ A Lưới đổi mới sáng tạo, chủ động mở rộng hoạt động kinh doanh, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm, từng bước phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP,...
Thanh Loan