Từ khi triển khai Luật HTX 2023, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã mạnh dạn hơn trong việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Các thành viên HTX được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật; tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực; chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm…
HTX là mắt xích quan trọng
Huyện Châu Đức hiện có 36/43 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Một số HTX đã liên kết với các doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như sầu riêng, thanh long ruột đỏ, đông trùng hạ thảo, ca cao, dưa lưới, mật ong dú, nấm rơm…
![]() |
Các chính sách hỗ trợ HTX được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giúp các HTX có động lực đầu tư mở rộng quy mô hoạt động. |
HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu (xã Bàu Chinh) tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2023, nhưng đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết với nông dân, DN xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua trái ca cao tươi và hạt ca cao phơi khô lên men. HTX hiện có 3 sản phẩm: bột ca cao nguyên chất, chocolate đen và bột ca cao 3 trong 1 đã được công nhận OCOP 4 sao.
Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu (xã Bình Ba) đánh giá, Luật HTX 2023 với các cơ chế và chính sách hỗ trợ, đang hướng tới việc khuyến khích các HTX liên kết hợp tác với nhau, đồng thời kết nối với DN để sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa và mở rộng quy mô sản xuất. Trong năm 2025, HTX tiếp tục liên kết, hỗ trợ HTX Sản xuất - Dịch vụ - Nông nghiệp Xuân Trường (xã Sơn Bình) trong hoạt động chế biến một số sản phẩm mới như nước ép thanh long đóng chai, nước uống dược liệu đóng chai; liên kết với các DN xuất khẩu bưởi, sầu riêng và lúa gạo…
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Châu Đức, địa phương có nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, nổi bật là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu, với 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (trà đông trùng hạ thảo, ngũ cốc đông trùng hạ thảo) và 1 sản phẩm 3 sao (Cordyceps BHA tửu); HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đang liên kết với 76 hộ nông dân tham gia chuỗi sản xuất 116ha ca cao và các HTX nuôi cá chình, nuôi lươn, nuôi ong dú, sản xuất dưa lưới, trồng sầu riêng xuất khẩu… Hiện nay, các HTX này đã liên kết với DN để cung cấp vật tư đầu vào với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng, đồng thời ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên.
Trong khi đó, tại huyện Long Đất, HTX Dưa lưới Long Tân (xã Long Tân) cũng mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2021 với 8 thành viên là các hộ trồng dưa lưới trong nhà màng trên địa bàn xã Long Tân. Ông Trương Văn Hậu, Giám đốc HTX Dưa lưới Long Tân cho biết, sau 4 năm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, HTX đã mở rộng liên kết với 16 hộ nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ dưa lưới nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho thành viên HTX. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các DN cung cấp hạt giống, phân hữu cơ cho thành viên với giá thấp hơn thị trường nên giảm chi phí sản xuất.
Mỗi năm, HTX Dưa lưới Long Tân sản xuất 4 vụ, năng suất đạt khoảng 3,5 tấn dưa/vụ/nhà màng 1.000m2; tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.
Cùng đồng hành để “đi xa hơn”
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để kinh tế tập thể (KTTT) phát huy tiềm năng, lợi thế hơn trong năm 2025, Liên minh HTX tỉnh khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác với DN nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030; hướng dẫn, tư vấn HTX xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, khoa học kỹ thuật; nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý HTX; chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình hay, đề xuất, nhân rộng ở địa phương mình.
![]() |
Tham gia HTX và tổ hợp tác giúp nâng cao giá trị nông sản, từ đó tăng thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững. |
Hiện, toàn tỉnh có 113 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX; tạo việc làm cho 2.318 lao động khu vực nông thôn. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút thêm 5% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức KTTT trong nông nghiệp; hỗ trợ ít nhất 10% số chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, tổ hợp tác nông nghiệp. Tỉnh cũng khuyến khích, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc làm nòng cốt, hạt nhân thành lập tổ hợp tác, HTX nông nghiệp; phối hợp với các sở ngành, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và phân phối hàng hóa.
Thời gian qua, để củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, tỉnh tập trung rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KTTT tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các chính sách hỗ trợ về khoa học, công nghệ; kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách về thuế; xây dựng sản phẩm OCOP, tham gia xúc tiến thương mại, giúp các DN, HTX, tổ hợp tác tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu liên kết của đối tác.
Các chính sách hỗ trợ HTX được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giúp các HTX có động lực đầu tư mở rộng quy mô hoạt động. Các HTX được trang bị máy móc hiện đại, từng bước vượt qua khó khăn, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Điển hình, HTX dịch vụ nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức được hỗ trợ 1 thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa T50 - phun thuốc bảo vật thực vật trên cây trồng, theo chương trình hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đại diện HTX cho biết, HTX trồng bơ trên diện tích rộng. Trước đây, mỗi lần xịt thuốc phải thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe. Được hỗ trợ thiết bị bay, khi phun thuốc sẽ an toàn cho sức khỏe, nhất là khi có mưa và sương muối xuống, sử dụng máy bay xử lý thì tốc độ nhanh, hiệu quả hơn.
“Sản phẩm của đơn vị đã được chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2024. Chương trình hỗ trợ máy móc này sẽ giúp HTX mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và chế biến nông sản; đồng thời tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hướng tới quảng bá, giới thiệu và xây dựng chuỗi liên kết bền vững lâu dài”, đại diện HTX nói.
Điểm sáng của cả nước về giảm nghèo
Còn HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ trong năm 2024 đã được bàn giao dây chuyền rửa trái cây đa năng, gồm: máy rửa, băng tải, lắp đặt, máy rửa bằng vật liệu thép không gỉ, làm sạch trái cây bằng chổi lông kết hợp phun nước áp lực; 20 bộ dụng cụ căng siết và đóng dây đai hàn nhiệt Yamafuji; 18,8 tấn phân bón NPK và vật tư khung thép định hình mái xây dựng 300m2 nhà xưởng. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng theo chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 21/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Theo Giám đốc Nguyễn Trọng Trung, khi tham gia dự án liên kết theo Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp, giúp tiết kiệm 28% chi phí sản xuất. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc tự động giảm được công lao động, giúp việc sơ chế, đóng gói sản phẩm thuận lợi hơn. Cùng với đó, giúp nâng cao mẫu mã trái bưởi sau thu hoạch, giúp tăng thu nhập cho các thành viên HTX.
Theo Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng HTX; trong đó, Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo điều kiện cho các HTX, nhất là HTX nông nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo lợi ích và thu nhập của thành viên.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh đánh giá, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết tiếp tục là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và HTX. Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp các HTX vượt qua khó khăn, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; đồng thời, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX, góp phần làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, với nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những thành tựu lớn. Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một điểm sáng của cả nước về giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo đó, tính đến cuối năm 2024, tổng hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh là 736 hộ, chiếm tỷ lệ 0,23% so với tổng số hộ dân; giảm 403 hộ so với đầu năm. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia.
Cụ thể, huyện Châu Đức và huyện Côn Đảo là hai địa phương không còn hộ nghèo. Huyện Xuyên Mộc là địa phương có nhiều hộ nghèo nhất (303 hộ); tiếp đến là thị xã Phú Mỹ (142 hộ), huyện Đất Đỏ (120 hộ), thành phố Vũng Tàu (76 hộ), huyện Long Điền (55 hộ), thành phố Bà Rịa (40 hộ).
Kết quả rà soát này chính là cơ sở để tỉnh thực hiện các chính sách giảm nghèo và các chính sách khác trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.
Đức Minh