Đến nay, huyện đã có 4 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao gồm: Trà xanh Phan Nhất; Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa; Bạch trà mẫu đơn Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa; Trà xanh Shan tuyết Sính Phình.
Từ loại cây "bị bỏ đi" trở thành sẩn phẩm OCOP
Để từng bước đưa cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, xóa đói giảm nghèo cho người dân, những năm qua huyện Tủa Chùa đã có nhiều chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển cây chè, như: Xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa, đổi mẫu mã các sản phẩm chè nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá tại các chương trình xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm chè an toàn theo Chương OCOP như hỗ trợ bao bì, in tem, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm chè đã được chứng nhận theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Môi trường Tủa Chùa, cây chè mang lại lợi ích nhiều năm nay cho người dân tại 4 xã: Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn. Cơ quan chuyên môn huyện thường xuyên phối hợp hướng dẫn kỹ thuật, vận động người dân chăm sóc bảo vệ, phát triển cây chè thành cây mũi nhọn và các sản phẩm chè Shan tuyết là sản phẩm đặc trưng của huyện.
Hiện nay, mỗi năm toàn huyện thu hoạch khoảng 82 tấn chè búp tươi, sản lượng chè thương phẩm chế biến đạt khoảng 15 tấn. Chè cây thấp đang được doanh nghiệp thu mua với giá từ 8.000 - 15.000 đồng/kg chè búp tươi.
![]() |
Cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, xóa đói giảm nghèo cho người dân. |
Cùng với đó, huyện Tủa Chùa có chính sách hỗ trợ thêm người dân 3.000 đồng/kg. Nhờ vậy, thu nhập từ việc bán chè giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống. Những hộ gia đình có diện tích trồng chè từ 0,5ha trở lên thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.
“Với tiềm năng lợi thế sẵn có, cấp ủy, chính quyền huyện Tủa Chùa luôn chú trọng đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương với nhiều hình thức khác nhau, từ hỗ trợ công nhận sản phẩm OCOP đến trưng bày, quảng bá nông sản trong và ngoài tỉnh”, đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường Tủa Chùa cho hay.
Liên kết để làm giàu từ chè
Để từng bước đưa cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, từ nhiều năm trước, huyện Tủa Chùa đã chú trọng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, các mô hình liên kết doanh nghiệp với hộ nông dân, mô hình liên kết với HTX, tổ hợp tác ra đời.
Đến nay, các sản phẩm chè đã được chứng nhận theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Hiện có 2 chuỗi sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ thuộc 2 doanh nghiệp là Công ty Trà Phan Nhất và Công ty TNHH Hương Linh, thị trấn Tủa Chùa đã liên kết với tổ hợp tác thu hái chè.
Ông Lò A Nội, Tổ trưởng Tổ hợp tác Làng Sản, xã Tả Sìn Thàng cho biết, dù mới thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 với 5 thành viên, song Tổ hợp tác đã dần khẳng định được vai trò trong việc dẫn dắt sản xuất, kinh doanh của hộ thành viên và người nông dân.
Đến nay, Tổ hợp tác đã liên kết sản xuất với Công ty TNHH Hương Linh sản xuất trên diện tích 1,2 ha, các thành viên Tổ hợp tác được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt; được đi tham quan, học hỏi các mô hình điển hình, hiệu quả để về áp dụng vào thực tế và vận động bà con dân bản học tập, làm theo.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Hương Linh chia sẻ, từ chỗ định chặt bỏ cây chè để trồng ngô, trồng sắn vì không hiệu quả kinh tế, người dân đã có ý thức chăm sóc cây chè để tăng năng suất và chất lượng, bắt đầu tự lấy hạt chè để nhân giống trồng thêm, đã nhìn thấy giá trị của cây chè. Thu nhập của trung bình mỗi tháng của mỗi hộ dân từ 2 đến 4 triệu đồng.
![]() |
Các tổ hợp tác đã liên két với doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. |
“Đây có thể là khoản thu nhập chưa lớn với người dân vùng thuận lợi nhưng với người dân miền núi Tủa Chùa, khoản tiền này đủ để người dân có thể ổn định cuộc sống, tích góp sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm các vật dụng trong gia đình và trẻ em được đến trường đầy đủ, nhiều hộ gia đình cũng không phải lo cái ăn, cái mặc”, chị Linh xúc động nói.
Hiện nay, huyện Tủa Chùa có 15 HTX, và gần 30 tổ hợp tác đang hoạt động.
Các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo quy định ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống thành viên.
Một số mô hình tổ hợp tác tổ chức sản xuất tốt, thực hiện liên kết với các HTX và doanh nghiệp trong sản xuất đã mang lại lợi ích cho người lao động, giảm được chi phí sản xuất, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.
Giữ vững thương hiệu sản phẩm địa phương
Ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa chia sẻ, thời gian tới, huyện Tủa Chùa tiếp tục phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng.
Tập trung đổi mới về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác điển hình tiên tiến, khuyến khích đầu tư nguồn lực, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời huy động, cân đối nguồn lực để hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô, tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Triển khai các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và chương trình OCOP.
Ngoài ra, huyện cũng liên kết với Hội Nông dân tỉnh và Liên minh HTX tỉnh Điện Biên tuyên truyền và tư vấn thành lập các HTX mới, hỗ trợ HTX tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2023, trong đó chú trọng ở các địa bàn điểm xây dựng nông thôn mới, tập trung bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX, chính sách về đất đai, thuế, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ mới…
Liên minh HTX tỉnh đã tuyên truyền dưới nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng; các trang mạng như Zalo, Facebook; Cổng thông tin điện tử của Liên minh HTX tỉnh...
Trong đó, chú trọng tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các HTX, THT phát triển thành viên, thành lập HTX gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP. Tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tạo điều kiện giúp các HTX, THT chủ động vươn lên, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các HTX, tổ hợp tác và nhân dân trên địa bàn đã nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT, nắm bắt được các thông tin, hoạt động trong hệ thống Liên minh HTX, tham khảo, học tập kinh nghiệm những mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, những gương người tốt, việc tốt.
Nhờ đó, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 31,2%, giảm 17% so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 15%. 100% các xã được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Minh Thành