Ngành nông nghiệp của huyện Sóc Sơn đã và đang tiếp cận đến nền nông nghiệp hàng hoá, chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, một số sản phẩm có thương hiệu, được liên kết, bao tiêu… Các sản phẩm có thương hiệu như rau hữu cơ, chè an toàn Bắc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn đã được thị trường và người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị
Tận dụng địa thế đồi gò, khí hậu mát mẻ, những năm qua, HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè an toàn, chè theo hướng VietGAP. Đây là một trong những mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản đang phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn huyện Sóc Sơn nhờ có sự tham gia của HTX.
Theo bà Đào Thị Quý, Giám đốc HTX, với việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc ngày một cải tiến, HTX thu được khoảng 5 tấn chè tươi/ha. Sản phẩm được sơ chế, đóng gói, dán bao bì, nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
“Với việc được UBND TP Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm của HTX hiện nay đã liên kết tiêu thụ được với một số doanh nghiệp, đưa sản phẩm lên các kệ hàng trong các siêu thị, cửa hàng tiện tích…”, bà Quý cho biết.
![]() |
Thành viên HTX nông lâm nghiệp Bắc Sơn sơ chế nguyên liệu chè. |
Hay như chuỗi rau hữu cơ Thanh Xuân, do HTX nông nghiệp Thanh Xuân tổ chức. Đến nay, rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân đã được nhiều người tin dùng, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
HTX có 26 nhóm với 157 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 34ha, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 không” trong quá trình trồng rau. Nhờ chất lượng được kiểm soát, mỗi tháng, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân tiêu thụ tại thị trường Hà Nội từ 60-80 tấn rau, củ, quả các loại với giá ổn định từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Thanh Xuân cho hay, sản xuất hữu cơ đã thay đổi thói quen của người dân trong chăm sóc cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay thế bằng thuốc sinh học. Do thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nên tiêu thụ rau hữu cơ của xã đều thông qua hình thức hợp đồng thu mua trực tiếp với các siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Tại xã Đông Xuân, dưa lê được trồng tập trung và tuân theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng, chăm sóc, đến khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ. Ngoài ra, các sản phẩm rau an toàn hay sản phẩm ớt trồng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia;…là những mặt hàng nông sản cho hiệu quả kinh tế cao được HTX nông nghiệp Đông Xuân triển khai tới các thành viên trong HTX. Đồng thời, HTX cũng là cầu nối giúp bà con nông dân gắn kết với các doanh nghiệp thu mua.
Góp phần nâng cao thu nhập
Hiện nay, những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị như tại HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn, HTX nông nghiệp Thanh Xuân đã không còn hiếm gặp trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ngoài các HTX sản xuất, nhiều HTX thực hiện thực hiện cung cấp dịch vụ đầu ra, hỗ trợ tích cực cho các thành viên trong khâu tiêu thụ. Một số HTX đã thực hiện tốt vai trò bao tiêu sản phẩm.
Các mô hình liên kết không những nâng cao năng lực quản lý, thành viên HTX cũng yên tâm sản xuất bởi đã có hợp đồng tiêu thụ. Giá trị gia tăng sản phẩm từ 10 - 20% so với khi không có liên kết.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân thông qua HTX đã giúp nhiều hộ nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu các khâu sản xuất, đóng gói, xây dựng nhãn hiệu, giúp tăng khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Đồng thời, tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro, nhờ đó thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất, giảm bớt tình trạng được mùa - mất giá.
Bên cạnh đó, hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn đang giúp gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho thành viên các HTX.
Đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển và xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, rau hữu cơ…; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết.
![]() |
Sản phẩm rau, củ, quả của xã Thanh Xuân đã tham gia vào chuỗi liên kết, cho giá trị kinh tế cao. |
Trên địa bàn huyện hiện có 146 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP (bằng 146% chỉ tiêu cả giai đoạn). Các sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định được uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm với thị trường, có nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết; bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được các chủ thể coi trọng, sản phẩm thực sự đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2024 đạt 76 triệu đồng.
Không còn hộ nghèo
Bên cạnh việc phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết, thời gian qua huyện còn hỗ trợ cho hơn 1.100 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 44 tỷ đồng. Đã hỗ trợ bò sinh sản cho 165 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, huyện còn phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX Hà Nội và một số đơn vị thực hiện hỗ trợ các hộ về giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ tham gia vào các mô hình sản xuất của HTX để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiền Ninh (xã Hiền Ninh) cho biết, mô hình trồng khoai tây giống mới Atlantic được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% lượng giống, 50% lượng vật tư, phân bón với sự kiểm tra, giám sát của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và Phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội). Tất cả vật tư, phân bón hỗ trợ và đối ứng đều bảo đảm số lượng, đúng tiêu chuẩn, chất lượng, thời gian, thời vụ... Dự kiến, năng suất khoảng 21 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 chiếm 85-90%. Với giá bán như doanh nghiệp cam kết thu mua là 8.600 đồng/kg (loại 1), doanh thu từ 170-180 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 80 triệu đồng/ha.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ban ngành, từ một huyện nghèo, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất và thu nhập trung bình thấp nhất so với các quận, huyện của Thủ đô, Sóc Sơn đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ giảm nghèo ấn tượng.
Năm 2021, toàn huyện có 413 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,47%), tới năm 2022 giảm còn 290 hộ (0,33%). Cuối năm 2023, con số này giảm về còn 32 hộ (0,04%), huyện còn giảm 735/1.453 hộ cận nghèo. Hết năm 2024, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các mô hình hiệu quả cao giúp tạo sinh kế bền vững cho người dân, không để tái nghèo. Tuy nhiên, để các liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản phát huy hiệu quả và thật bền vững, rất cần sự chủ động, tích cực của cả nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ, lựa chọn các HTX, hộ nông dân có đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết nông sản an toàn nhằm thu hút doanh nghiệp cùng tham gia chuỗi.
Nhật Nam