Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, những năm qua, chất lượng cà phê Mường Ảng đã được khẳng định và có giá cao. Hiện nay, huyện Mường Ảng cũng là vùng trồng cà phê lớn nhất tỉnh Điện Biên, với tổng diện tích trên 3.000ha (gần 2.200ha đã cho thu hoạch).
“Vị thế” cây chủ lực
Trong lịch sử hơn nửa thế kỷ từ khi cây cà phê Arabica xuất hiện tại các nông trường ở Mường Ảng, loài cây này đã nhiều lần "chết đi, sống lại". Vào thời điểm năm 2017, huyện Mường Ảng đã có gần 4.000ha cây cà phê thì đến năm 2021 chỉ còn lại hơn 2.000ha. Nhiều người dân đã chặt bỏ cây cà phê vì đầu ra không ổn định, giá thấp, không bù được chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cà phê luôn ở mức cao và ổn định, nên cây cà phê Arabica tại Mường Ảng cũng đang được "tái sinh" mạnh mẽ.
![]() |
Chất lượng cà phê Mường Ảng đã được khẳng định và có giá cao. |
So với một số loại cây trồng khác, cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn. Nhiều hộ dân đã thành công với mô hình trồng cà phê, đạt doanh thu cao và ổn định mỗi năm. Với mức giá ổn định trên thị trường, cây cà phê là cây công nghiệp dài ngày giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu với lợi nhuận 80-100 triệu đồng/ha/năm.
Cà phê không chỉ là nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ gia đình mà còn tạo sự ổn định về kinh tế, góp phần vào quá trình phát triển nông nghiệp bền vững của huyện.
Đại diện UBND huyện Mường Ảng cho biết, để mở rộng diện tích trồng cây cà phê, giúp người dân tăng thu nhập, huyện đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích trồng cà phê theo hướng chất lượng cao. Người dân cũng được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật trồng trọt, đặc biệt là các giống mới có năng suất cao và kháng bệnh tốt. Trong năm 2024, toàn huyện Mường Ảng đã trồng mới trên 800ha cà phê Arabica và huyện đặt mục tiêu nâng diện tích lên 5.000ha vào năm 2030.
Ảng Cang và Ảng Nưa là 2 xã tập trung diện tích trồng cà phê lớn nhất trong huyện. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tốt, các hộ dân tại đây tập trung trồng các giống Arabica chất lượng cao. Diện tích cà phê tại Ảng Nưa và Ảng Cang đã được mở rộng trong những năm gần đây. Ngoài ra, 2 xã Búng Lao và Mường Lạn cũng có diện tích trồng cà phê tương đối lớn, người dân đã bắt đầu áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến và tập trung vào sản xuất cà phê hữu cơ, mang lại chất lượng và giá trị cao hơn cho sản phẩm.
Nỗ lực mở rộng liên kết
Trên vườn cà phê đang chín rộ, anh Lường Văn Thoan, bản Na Luông, xã Ẳng Nưa chia sẻ: "Những năm gần đây, bà con đều nắm được kỹ thuật chăm sóc cà phê hiện đại, nhờ vậy cây cối phát triển tốt, trái đều và to. Năm 2024, vườn cà phê gần 2ha của nhà tôi được mùa, thu về hơn 20 tấn cà phê, cải thiện đáng kể thu nhập".
Cũng theo anh Thoan, những năm trước, giá cà phê bấp bênh, trong khi đầu tư chi phí chăm sóc cao nên nhiều người dân cảm thấy xót, thậm chí ít quan tâm, đầu tư. Nhưng giờ thì khác, giá cả tăng cao, bà con rất phấn khởi.
Giá cà phê tăng cao không chỉ anh Thoan và nhiều hộ dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng vui mừng mà còn giúp các đơn vị thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn huyện cũng phấn khởi không kém.
Chị Lò Thị Du, thành viên HTX cà phê chất lượng cao Mường Khoe (xã Ẳng Nưa) cho biết: “Tiền công thu hái là 3.500-4.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày, một người có thể kiếm được 300.000 - 400.000 đồng. Nhờ cà phê, chúng tôi không chỉ đủ sống mà còn có của để dành cho con cái học hành".
Hiện nay, ngoài 4 xã trồng cà phê chủ lực thì một số khu vực khác trong huyện cũng đang mở rộng diện tích trồng cà phê nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Các chương trình hỗ trợ trồng trọt được triển khai giúp người dân làm quen với việc trồng cây cà phê, từ đó tạo động lực cho các xã tăng trưởng sản lượng trong thời gian tới. Việc mở rộng trồng, sản xuất cà phê đặc sản Mường Ảng không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn chú trọng đến chất lượng cà phê, đặc biệt là các loại cà phê đặc sản có giá trị cao.
Được biết, năm 2022, Every Half đã hợp tác cùng HTX Minh Duy (thị trấn Mường Ảng) để xây dựng vườn ươm và vườn thực nghiệm giống cà phê mới tại Mường Ảng. Sự hợp tác này nhằm góp phần hỗ trợ địa phương cũng như định vị giá trị cà phê địa phương.
![]() |
Every Half hợp tác với HTX Minh Duy để xây dựng vườn ươm và vườn thực nghiệm giống cà phê mới tại Mường Ảng. |
Bên cạnh việc chú trọng phát triển chất lượng cà phê, huyện Mường Ảng còn liên kết với các doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho cà phê, giúp bà con an tâm sản xuất.
Đại diện HĐND huyện Mường Ảng cho hay, huyện đã xác định với nguồn lực đất đai, thời tiết và nhân lực tại chỗ, nông nghiệp vẫn là điểm tựa vững chắc nhất của địa phương. Huyện nhận thức câu chuyện liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp sẽ quyết định sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Do vậy, Mường Ảng đã ký kết với CTCP Tập đoàn Ameii về việc triển khai chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản với các HTX. Được biết, Ameii đã, đang liên kết với nhiều HTX nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trong nước để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Mong muốn của địa phương trong sự hợp tác với doanh nghiệp là tạo sự liên kết, hỗ trợ về mặt chất lượng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp; định hướng nhu cầu của thị trường các nước cần sản phẩm gì, giải pháp sản xuất xanh...”, đại diện HĐND cho biết.
Song hành trồng mới và tái canh
Tuy nhiên, ban lãnh đạo huyện thông tin, thời điểm hiện tại, nhiều vườn cà phê đã trồng trên 20 năm, cần được trồng mới và tái canh.
Một chuyên gia cho biết, để thực hiện tái canh cây cà phê ở Mường Ảng, cần xác định được giống cà phê phù hợp. Trong đó, có thể áp dụng biện pháp cày bỏ toàn bộ cà phê già cỗi sau khi thu hoạch lần cuối. Ngoài ra, có thể ghép cải tạo với diện tích cà phê già cỗi và cho năng suất kém.
Theo đại diện UBND huyện Mường Ảng, để khắc phục tình trạng cà phê quá tuổi, huyện đã tăng cường áp dụng kỹ thuật thâm canh ở những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp. Đồng thời ghép, cải tạo hoặc tái canh bằng các giống cà phê mới. Ngoài ra, hiện nay, huyện cũng đang rà soát quỹ đất phù hợp để mở rộng diện tích cà phê và hiện thực hóa mục tiêu 5.000ha cây cà phê vào năm 2030.
Năm 2024, huyện Mường Ảng đã thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm quả cà phê Catimor. Đây là dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, huyện đang triển khai thực hiện 4 dự án với tổng diện tích cà phê trồng mới trên 114ha, với 174 hộ tham gia (88 hộ nghèo, 82 hộ cận nghèo). Tổng kinh phí thực hiện gần 17,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 8,5 tỷ, đối ứng của các hộ tham gia gần 9 tỷ.
Tuy nhiên, do đối tượng được hưởng lợi đều là hộ nghèo, cận nghèo, thường có diện tích đất đai nhỏ lẻ, manh mún, có độ dốc lớn; nhận thức của các hộ tham gia dự án chưa đồng đều, một số hộ chưa áp dụng được tối đa kỹ thuật vào sản xuất thực tế, đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như tỷ lệ sống của cây.
"Với số cây cà phê giống bị chết, nhà cung ứng sẽ phối hợp với huyện để cấp bổ sung. Và sẽ bắt đầu tiến hành vào đầu mùa mưa năm 2025 (tháng 5 – tháng 9)", đại diện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng cho biết.
Mong muốn nhất của huyện hiện nay là trung ương và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm tới chính sách hỗ trợ việc tái canh cũng như mở rộng diện tích cây cà phê Mường Ảng, để cây không chỉ trở thành "cây xoá đói, giảm nghèo” mà tiến tới từng bước làm giàu cho đồng bào người Thái nơi đây.
Ngọc Giang