Ngày 23/4 vừa qua, Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk đã công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Búk” cho địa phương. Krông Búk là địa phương thứ tư của tỉnh Đắk Lắk được cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sầu riêng. Chứng nhận có hiệu lực trong 10 năm và là cơ sở pháp lý quan trọng để huyện tiếp tục phát triển thương hiệu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng trên thị trường.
Từ những nông dân tỷ phú...
Thời gian vừa qua, nhằm nâng cao giá trị và không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, huyện Krông Búk đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ trồng sầu riêng, tổ hợp tác (THT) và HTX, doanh nghiệp (DN) xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
![]() |
Ngày càng có nhiều tỷ phú trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Búk nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. |
Gia đình ông Nguyễn Xuân Nhị (thôn 2, xã Ea Ngai) có 800 cây sầu riêng Dona và 250 cây sầu riêng Musangking cho sản lượng khoảng 70 tấn/năm. Ông Nhị chia sẻ: "Việc cấp mã số vùng trồng rất quan trọng, giúp gia đình tôi yên tâm sản xuất vì sản phẩm làm ra được DN cam kết thu mua. Hy vọng giá cả sầu riêng ổn định và thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng mở rộng”.
Công ty TNHH Sky Ocean Food ở Cụm công nghiệp Krông Búk 1 (thị trấn Pơng Drang) đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã cơ sở đóng gói cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường này. Ngoài ra, công ty còn hợp tác, liên kết với các HTX, THT và hộ trồng sầu riêng tại xã Ea Ngai, Cư Né, Chứ Kbô xây dựng 7 mã vùng trồng, diện tích khoảng 136ha. Để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sầu riêng bền vững, cùng có lợi, công ty cam kết đồng hành, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất sầu riêng, thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2024, giá thu mua sầu riêng của công ty dao động từ 75.000 - 85.000 đồng/kg.
Nhờ sầu riêng được giá, thu nhập của người trồng, trong đó có nhiều nông dân là thành viên các THT, HTX ngày càng cao hơn. Trên địa bàn huyện Krông Búk, tỷ phú trồng sầu riêng ngày càng nhiều. Bà con nông dân an tâm đầu tư canh tác đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường, từ đó càng thêm tăng giá trị cho trái sầu riêng.
Như gia đình chị Trần Thị Lan (xã Chư Kpô) sở hữu hơn 1ha sầu riêng với hơn 100 cây sầu riêng đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 140kg/cây. Mỗi năm, ước tính gia đình chị thu về được hơn 1,1 tỷ từ 14 tấn sầu riêng. "So với các loại nông sản khác, tôi thấy sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, việc thu hoạch dễ dàng, nhanh chóng không tốn nhiều công lao động", chị Lan chia sẻ.
Thẽo lãnh đạo địa phương, cây sầu riêng đã giúp bà con nông dân thoát nghèo hiệu quả và bền vững, bởi đầu tư vào sầu riêng không lớn như các loại trái cây khác. Mỗi ha sầu riêng chỉ đầu tư khoảng 150 triệu đồng, thu nhập lên tới 700 - 800 triệu đồng. Với con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang rộng mở như hiện nay, ngành hàng sầu riêng chắc chắn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhà vườn ngày càng nâng cao.
...Đến những HTX tiên phong
Niên vụ 2024, huyện Krông Búk có 4.545ha sầu riêng (diện tích trồng thuần 1.402ha, trồng xen là 3.143ha), trong đó diện tích đã cho sản phẩm là 2.751ha, sản lượng đạt 44.016 tấn. Ngoài ra, huyện còn có 239ha sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn/năm.
![]() |
Trên địa bàn huyện có 7 HTX và 1 THT sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Huyện Krông Búk đã được Hải quan Trung Quốc cấp 17 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn này (283,93ha) và 3 cơ sở đóng xuất khẩu.
Dự kiến niên vụ 2025, diện tích sầu riêng của huyện tăng 1.028ha so với năm 2024; tổng sản lượng trái ước đạt 61.404 tấn; hỗ trợ thiết lập tối thiểu 5 hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng với diện tích trên 100ha…
Có thể khẳng định, để sầu riêng Krông Búk được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và giữ vững nhãn hiệu tập thể có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, với nòng cốt là các HTX và THT. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 HTX và 1 THT sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích khoảng 220ha, sản lượng khoảng trên 3.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập) chia sẻ, từ khi được cấp mã vùng trồng, HTX đã liên kết với các DN xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các thành viên trong HTX khi có mã số vùng trồng đều nâng cao ý thức, có biện pháp bảo vệ mã số của mình, tránh sử dụng mã số tràn lan, vượt quá sản lượng, công suất thực tế dẫn đến bị thu hồi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của sầu riêng Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Krông Búk nói riêng.
Tương tự, với diện tích 74ha cùng 44 thành viên tham gia, mùa sầu riêng năm 2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú (xã Cư Pơng) thu khoảng 700 tấn. Bình quân mỗi héc ta mang lại thu nhập cho người trồng khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác tại địa phương.
Ông Nguyễn Đức Diễn, Giám đốc HTX cho biết, các thành viên trong HTX đều tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, áp dụng biện pháp quản lý dịch bệnh, bảo đảm thời gian cách ly thuốc khi thu hoạch. Phát triển sầu riêng bền vững, bảo đảm chất lượng được các đơn vị bao tiêu với giá ổn định là mục tiêu dài hạn của bà con nông dân kể cả đối với sầu riêng xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước.
Và những vùng đất đổi thay từng ngày
Hướng tới phát triển bền vững và để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, ngay tại lễ công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể, người trồng sầu riêng huyện Krông Búk đã được đại diện các đơn vị chuyên môn hướng dẫn quy trình quản lý, phát triển chứng nhận “Sầu riêng Krông Búk”; quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm soát dư lượng Cadimi, chất cấm Auramine O (chất vàng ô) và các giải pháp hạn chế hóa chất, chất cấm trong sản xuất. Đồng thời, phổ biến các nội dung về tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Kiên Cường nhấn mạnh, UBND huyện tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thực tế diện tích trồng, hình thức canh tác và sản lượng sầu riêng nhằm chỉ đạo sản xuất hiệu quả, an toàn trong niên vụ 2025. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu để các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình sản xuất, vận dụng kinh tế số trong tiêu thụ sản phẩm sầu riêng; hỗ trợ HTX, THT, nông dân đưa sầu riêng lên sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Song song đó, tiếp tục hỗ trợ xây dựng vùng trồng đạt chứng nhận theo yêu cầu của các thị trường tiềm năng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm...
Để các mã số vùng trồng phát huy hiệu quả lâu dài, UBND huyện đã thành lập Tổ hướng dẫn, quản lý giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện. Các thành viên trong Tổ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; nâng cao nhận thức của người dân, DN, HTX về tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm; vận động hộ gia đình liên kết chặt chẽ với DN thông qua HTX để xây dựng vùng trồng tập trung, thiết lập mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.
UBND huyện cũng thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với người trồng sầu riêng, các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn để thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc cũng như hướng phát triển ngành sầu riêng bền vững.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc hệ thống Liên minh HTX đã có sự đồng hành cùng các HTX, THT trên địa bàn huyện Krông Búk nói riêng, tỉnh Đắk Lắc nói chung. Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp, thông qua Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, thương mại điện tử… cho các HTX trên địa bàn, trong đó có các HTX, THT trồng sầu riêng.
Cũng chính nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước, của chính quyền tỉnh và huyện, và từ các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương như vậy, đời sống của người dân, trong đó có đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Vùng đất đỏ bazan như đổi thay từng ngày, ngày thêm một trù phú, tràn đầy sức sống. Cái nghèo, cái đói ngày càng lùi xa, những căn nhà kiên cố, tươi màu trên những vườn cây xanh mướt tạo nên bức tranh đầy sức sống ở mảnh đất cao nguyên này.
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đến năm 2029, huyện Krông Búk đặt mục tiêu 100% đường giao thông thôn, buôn được cứng hóa; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh; hơn 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm 5% trở lên…
Riêng trong năm 2025 này, để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Krông Búk quyết tâm tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt, tập trung phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng các HTX.
Phương Linh