Hiện nay, các HTX tại tỉnh Vĩnh Long với cơ chế tạo việc làm từ chính các hoạt động phục vụ đời sống người dân địa phương đang là kênh phù hợp với đối tượng lao động nông thôn. Đặc biệt, nhiều HTX đang mở rộng hoạt động theo hướng chú trọng đến sản xuất theo mô hình liên kết, từ đây sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Từ khơi dậy tiềm năng nghề thủ công
Vĩnh Long đang đặt mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên còn khả năng lao động trong độ tuổi lao động có việc làm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, mỗi năm giảm 2%. Đặc biệt, hỗ trợ 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Tỉnh cũng phấn đấu tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 50%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
![]() |
Thời gian qua nhiều HTX thủ công mỹ nghệ tại tỉnh Vĩnh Long được thành lập với lực lượng lao động chính là phụ nữ. |
Đến nay bức tranh kinh tế - xã hội đã có những gam màu tươi sáng hơn nhờ sự nỗ lực không ngừng trong công tác xóa đói giảm nghèo trong đó có sự đóng góp quan trọng của các HTX. Nhiều HTX, nhất là HTX thủ công mỹ nghệ được thành lập với lực lượng lao động chính là phụ nữ. Hoạt động trong HTX, các thành viên được hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, mở cánh cửa thị trường, từ đó vươn lên làm giàu bền vững.
Tỉnh Vĩnh Long đã vận động hỗ trợ thành lập và nhân rộng được trên 300 mô hình kinh tế do lao động nữ là chủ lực như HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ/nhóm phụ nữ chăn nuôi, trồng trọt, giúp trên 18.600 lao động nữ cải thiện thu nhập.
Đơn cử, HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình) hàng năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động nữ. Cây lục bình – nguyên liệu chính của HTX, trước đây chỉ dùng làm thức ăn nuôi lợn, nhưng nay đã trở thành cây giúp các hộ dân nghèo ở Tam Bình thoát nghèo.
Để tạo việc làm cho lao động, HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ với mức thu nhập ổn định.
Bà Phạm Thị Tơ – Giám đốc HTX, cho biết: “Nhờ uy tín gây dựng nhiều năm, HTX không sợ thiếu việc làm, chỉ cần các chị em chịu học hỏi, nâng cao tay nghề để thu nhập cao hơn. HTX hướng tới mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm chủ kinh tế”.
Chị Nguyễn Thị Như Thủy (ấp An Hòa B, Bình Ninh) chia sẻ: “Tôi trước đây đi làm mướn nhưng bây giờ không ai mướn nữa, lúa cũng gặt xong rồi nên tôi đi học đan để kiếm thêm tiền cho con đi học. Giờ tôi làm gia công đan lát loại sản phẩm hộp vuông từ lục bình cho HTX, thời gian để hoàn thành sản phẩm này khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, được trả công 35 ngàn đồng/sản phẩm. Trung bình, một tháng tôi kiếm được 4,5 triệu đồng".
Hiện, sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng khá đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon… Toàn bộ sản phẩm của HTX sản xuất ra được phía doanh nghiệp liên kết thu mua, xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức, hoặc xuất sang Đài Loan (Trung Quốc).
Tiền lương ổn định giúp người lao động tự chủ kinh tế, phát huy được sự sáng tạo trong công việc. Hiệu quả của HTX Quyết Thắng đang góp phần rất đáng kể cho công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đến xây dựng thương hiệu lúa, gạo hữu cơ
Giống như HTX Quyết Thắng, HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (huyện Vũng Liêm) là một trong số ít những HTX xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ với 65 thành viên tham gia sản xuất. Trong đó, khoảng 30ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế gồm USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) với những giống lúa chủ lực là lúa thơm ST24, Đài thơm 8, OM4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt.
![]() |
HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Gạo hữu cơ Tấn Đạt". |
HTX đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Gạo hữu cơ Tấn Đạt", sản phẩm được đóng gói hút chân không với khối lượng đa dạng (1kg, 2kg và 5kg/bao), có mã truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ gạo của HTX ngày càng rộng mở. Ngoài cung ứng cho các cửa hàng nông sản sạch, nông sản hữu cơ và các đại lý trong tỉnh Vĩnh Long, gạo hữu cơ Tấn Đạt còn được các doanh nghiệp ưa chuộng, nhu cầu đặt hàng tương đối cao.
Do sản xuất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ, các sản phẩm gạo của HTX luôn được bán ở mức giá khá cao, từ 30.000 – 40.0000 đồng/kg (tùy loại). Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho các doanh nghiệp khoảng 15 tấn gạo các loại.
Để lan tỏa mô hình đến với bà con nông dân, HTX tổ chức mời nông dân trong ấp, xã đến tham quan, giới thiệu về quy trình trồng lúa hữu cơ cũng như hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại.
Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ của HTX cũng đang tạo việc làm cho khoảng 65 lao động thường xuyên ở địa phương, cao điểm vào vụ thu hoạch có thể lên tới 80 người, với mức lương tối thiểu 4,5 triệu đồng/tháng.
Khẳng định vai trò "bà đỡ" của KTTT, HTX
Tại Vĩnh Long, theo Kế hoạch số 56/KH-UBND về Phát triển KTTT, HTX năm 2024, tỉnh định hướng phát triển KTTT năng động, hiệu quả gắn với lợi thế lao động, thổ nhưỡng, tài nguyên bản địa; thích ứng linh hoạt với kinh tế thị trường, kinh tế số, biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, phát triển KTTT cả chiều rộng và chiều sâu; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm chủ lực của địa phương…
Toàn tỉnh hiện có 866 tổ hợp tác với khoảng 42.500 thành viên, 192 HTX với 9.050 thành viên, trong đó có 21 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.
Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cho biết trong năm 2025 sẽ tiếp tục thành lập mới thêm các HTX và Tổ hợp tác; Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm khoảng 40% tổng số HTX. Tăng tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học; nâng số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. Đồng thời, tăng doanh thu bình quân của HTX và thu nhập bình quân của người lao động trong HTX.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long đưa ra nhiều giải pháp thực hiện; trong đó chi hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động; Tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương và của tỉnh đã được phê duyệt như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long…
Cùng với đó, nghiên cứu, đổi mới, nâng cao hiệu quả, tính thực tiễn của các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ kết cấu hạ tầng; hỗ trợ về thuế, đất đai; ưu đãi về tín dụng, vốn; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa tập thể; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;… phù hợp với xu thế 4.0.
Hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường trực tuyến và hỗ trợ dịch vụ nhận hàng mua, bán sản phẩm, lưu thông sản phẩm của HTX với chi phí tối thiểu. Khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh để sử dụng khi nông sản tiêu thụ khó khăn; thành lập các điểm thu mua nông sản cơ động và kiểm soát thu mua từ các HTX để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy; đảm bảo thông suốt trong lưu thông vật tư nông nghiệp và nông sản nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hoàng Hà