Câu chuyện về cây chè chát tại huyện nghèo Bình Sơn và ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - người tiên phong khôi phục, phát triển và đưa cây trồng truyền thống của địa phương thành thương hiệu chè nổi tiếng, đưa giá trị lên tầng cao mới ... là một trong những minh chứng tiêu biểu.
Cây trồng thế mạnh một thời bị lãng quên
Bình Sơn là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa khoảng 20 km về phía Tây. Khoảng 30 năm trước, Bình Sơn từng nổi tiếng với nghề trồng chè nhưng do năng suất, giá trị không cao nên một thời gian dài cây chè gần như bị lãng quên ở đây. Nếu có chỉ là một số hộ nông dân cầm cự, tiếp tục gắn bó với cây chè nhưng chưa hề có thương hiệu.
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu cây chè chát tại địa phương, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn, cho hay, năm 1995 ông rời quê hương ở xã Đông Cương, TP Thanh Hoá lên đây lập nghiệp.
![]() |
HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn đã giúp 20 thành viên chính thức và hàng trăm thành viên liên kết có việc làm, tăng thu nhập từ cây chè chát của địa phương. |
"Ngày đó, Bình Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Triệu Sơn, đất đai toàn rừng núi, cây dại. Năm 1992, cây chè được đưa vào Bình Sơn trồng thử nghiệm theo dự án 327. Kể từ đó, cây chè đã bén rễ với mảnh đất này, trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo. Hiện xã Bình Sơn có gần 400 ha chè, với hơn 400 hộ trồng chè, chế biến và dựa vào chè để sống", ông Lê Đình Tú nói.
Tuy nhiên, dù cây chè đã gắn bó với người dân Bình Sơn từ lâu nhưng với việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cây giống cũ, năng xuất kém khiến cho cây chè trước đây khó phát triển, thu nhập thấp nên người dân không mấy mặn mà.
Năm 2016 ông Lê Đình Tú được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn, với vai trò vị trí công tác của mình ông đã tìm hướng đi mới để chỉ đạo HTX phát triển đi lên.
Là người am hiểu địa bàn, biết được những sản phẩm nào là chủ lực của địa phương, ông Lê Đình Tú và các thành viên HTX quyết định chọn chè búp khô và mật ong để đi tiếp thị trên thị trường, phân công từng thành viên đảm nhiệm từng công việc, từng khâu cụ thể, gắn với trách nhiệm được giao nên hiệu quả công việc rất cao.
Hiện nay, HTX có gần 80ha chè (trong đó có 12ha chè theo tiêu chuẩn VIETGAP). Quy mô hoạt động của HTX được mở rộng với 20 thành viên chính thức và 100 thành viên liên kết.
Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương
Không chỉ vận động người dân mở rộng được diện tích chè của xã, ông Lê Đình Tú còn chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu, từng bước nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của địa phương.
Tính đến năm 2019, sản phẩm chè khô Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chính là cơ hội lớn để thương hiệu chè Bình Sơn bay xa, khẳng định chất lượng và khả năng phát triển tại thị trường trong nước.
Từ khi HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn "vào cuộc", giá trị kinh tế của chè và cuộc sống của người trồng chè đã được nâng lên rõ rệt. Với sự nỗ lực của ông Tú và các thành viên đến nay, HTX đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh Thanh Hoá và đang từng bước khẳng định chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu Bình Sơn trên thị trường.
“Gây dựng được thương hiệu đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn nên chúng tôi hướng tới xây dựng vùng chè sạch, an toàn, tất cả đều phải từ thiên nhiên" ông Lê Đình Tú nhấn mạnh.
Được biết, không chỉ ở huyện Triệu Sơn, câu chuyện thoát nghèo từ cây chè cũng đang được nhân rộng tại huyện Như Xuân.
![]() |
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được định hướng trồng chè theo hướng hàng hóa, phục vụ chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm. |
Thời gian qua, câu chuyện sản xuất chè tại huyện Như Xuân đã thu được nhiều kết quả tích cực. Thông qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ hợp tác và HTX, người dân đã được định hướng trồng chè theo hướng hàng hóa, phục vụ chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Với các chính sách khuyến khích phát triển, những năm qua, huyện Như Xuân đã triển khai Đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" nhằm nâng cao giá trị sản xuất từ cây chè, tăng nguồn thu nhập cho các hộ trồng chè, sản xuất chè với nhiều cơ chế hỗ trợ, trong đó có việc hỗ trợ hỗ trợ kinh phí các HTX, doanh nghiệp liên kết với các hộ dân để phát triển vùng chè nguyên liệu.
Năm 2022, HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân (xã Cát Tân) và HTX Mắc ca Thành Phát (xã Cát Vân) được thành lập, trở thành đầu mối thu mua sản phẩm chè nguyên liệu cho các hộ dân địa phương. Đồng thời, 2 HTX cũng đầu tư cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng khâu sơ chế, chế biến chè... từ đó, tạo ra sản phẩm được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Như Xuân đã có 68 hộ dân và 2 HTX tham gia thực hiện Đề án, phát triển trồng mới được 36,2ha chè nguyên liệu, nâng tổng diện tích trồng chè trên địa bàn huyện lên 173ha. Bước đầu hình thành vùng nguyên liệu chè phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện. Thay thế cơ cấu giống chè bằng các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc HTX chè Thanh Vân, cho biết, trên địa bàn huyện đã xây dựng được sản phẩm chè Thanh Vân đạt OCOP 3 sao, được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Như Xuân, cho biết: Tính theo đầu diện tích vùng trồng, doanh thu từ sản phẩm chè búp tươi là 14,4 triệu đồng/ha/năm; qua khâu chế biến và tiêu thụ, doanh thu từ sản phẩm chè khô đã nâng lên 47 triệu đồng/ha/năm.
Tiếp tục phát huy, mở rộng chuỗi liên kết
Có thể thấy thời gian qua, các mô hình KTTT trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển vững chắc, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, mô hình HTX đã khắc phục những hạn chế trong sản xuất, như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp. Bởi vậy, mô hình HTX ra đời, phát triển đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho nông dân; đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động ở mỗi địa phương.
Đặc biệt, Liên minh HTX Việt Nam kết hợp Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các HTX, doanh nghiệp với thành viên trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần đưa phong trào kinh tế tập thể (KTTT), HTX của tỉnh phát triển bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.364 HTX, với 251.900 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX đạt 7,55 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX đạt 51 triệu đồng/người/năm.
Với sự chủ động hội nhập, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình HTX kiểu mới ở tất cả các lĩnh vực, nghề. Trong đó, có nhiều HTX đa nghề, hoạt động kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp, là nhân tố tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 100 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên. Cùng với đó, có 144 HTX, tổ hợp tác trong khối KTTT tham gia phát triển sản phẩm OCOP, góp phần đánh thức sản phẩm thế mạnh địa phương và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
Thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phối hợp hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, khu vực KTTT, HTX của tỉnh đã xuất hiện nhiều HTX tiêu biểu đạt kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh, trong đó các HTX trên địa bàn huyện Triệu Sơn và huyện Như Xuân là những minh chứng tiêu biểu.
Hồng Hương