HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được biết đến là HTX sản xuất cà phê chất lượng, uy tín trên địa bàn. Thành lập năm 2015, HTX có 49 thành viên tham gia trong đó thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 90%. Các hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề của hợp tác xã là: trồng, sản xuất, mua bán, chế biến cà phê; dịch vụ phân bón, vật tư nông nghiệp, sản vật địa phương…
Lan tỏa những cách làm hay, bền vững
Nhằm giúp bà con nông dân chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, HTX đã tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương để xác định các loại cây trồng phù hợp và có tiềm năng phát triển kinh tế cao.
HTX giới thiệu và khuyến khích nông dân trồng các loại cây có giá trị như sầu riêng (Monthong, Ri6), bơ Booth, mít Thái, hồ tiêu, các loại cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) và rau màu chất lượng cao. HTX phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng mới. Xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân trực quan nắm bắt và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất…
![]() |
Phân loại cà phê ở HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh BĐL |
HTX đang có gần 50 thành viên. Bình quân mỗi hộ thành viên hiện có khoảng 1,5 ha đất sản xuất xen canh cả cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. Ngoài ra HTX còn liên kết và hợp tác với nhiều bà con địa phương với tổng diện tích lên tới hơn 1.400 ha.
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cũng được các HTX chú trọng phát triển. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các HTX đã tập hợp các hộ nông dân lại, xây dựng kế hoạch sản xuất đồng bộ, đảm bảo chất lượng và số lượng sản phẩm. Đồng thời, HTX cũng chủ động tìm kiếm các đối tác tiêu thụ, ký kết các hợp đồng bao tiêu ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất và có đầu ra bền vững.
Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu Trần Đình Trọng chia sẻ, HTX luôn tự "làm mới" mình bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Để tạo được thương hiệu trên thị trường, HTX đề ra các tiêu chí, vận động thành viên thực hiện theo chương trình cà phê bền vững như cà phê hái quả chín đạt trên 90% thì được cộng thêm 2.000 đồng/kg cà phê quả tươi (tương đương với 9.000 đồng/kg nhân)…
Hay như HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng (thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) đã xây dựng mô hình trồng rau bò khai xen canh trong vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP giúp các thành viên có thu nhập cao.
Gia đình ông Triệu Văn Hành (ở thôn Cao Bằng) cũng là một trong những thành viên đầu tiên của HTX tham gia trồng thử nghiệm rau bò khai trên diện tích hơn 1 ha. Năm 2017, gia đình ông đầu tư 100 triệu đồng mua giống, trang bị hệ thống tưới tiết kiệm để trồng xen canh loại rau này dưới tán cây sầu riêng. Hiện nay, với 1 ha sầu riêng xen canh rau bò khai, gia đình ông Hành thu về khoảng 15 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.
Nhận thấy thu nhập ổn định, năm 2017, 6 người dân trồng thử nghiệm rau bò khai ở thôn Cao Bằng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau bò khai. Đến năm 2020, tổ hợp tác phát triển thêm 7 thành viên và quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng. Hiện HTX có 21 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 40 ha (trong đó hơn 50% trồng xen canh sầu riêng).
Ông Hoàng Văn Hiệu, Giám đốc HTX, cho biết sản lượng rau bò khai sản xuất tùy theo mùa, vào mùa lạnh thì sản lượng giảm nhưng bù lại giá cả tăng. Mỗi tháng HTX thu hoạch khoảng 2 tấn sản phẩm với giá trung bình 60 nghìn đồng/kg. Đối với những thành viên chính thức có diện tích hơn 1 ha trồng xen canh thì thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Còn các thành viên liên kết trồng chuyên canh thì thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/tháng.
Hành trình thay đổi tư duy và canh tác
Nhận thức sâu sắc về những thách thức này, người nông trên địa bàn với sự dẫn dắt và hỗ trợ đắc lực từ các HTX nông nghiệp, đã mạnh dạn bước vào một cuộc "cách mạng xanh" thực sự. Họ không còn "ôm chặt" cây cà phê độc canh mà đã chủ động chuyển đổi sang đa dạng hóa các loại cây trồng, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trong phát triển kinh tế gia đình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tại buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột), được sự hỗ trợ của chính quyền và các HTX trên địa bàn, ông Phạm Minh Tĩnh đã áp dụng mô hình trồng xen canh trên khu vườn hơn 1ha với ba loại cây chủ lực: cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. Nhờ đó, vườn cây của ông cho thu hoạch ổn định suốt năm.
Ông kể, trước đây gia đình chỉ trồng cà phê, mỗi năm được mùa có thể thu hoạch 4,5 - 5 tấn. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh khiến thu nhập không ổn định. Nhận thấy rủi ro từ độc canh, năm 2018, ông bắt đầu tìm hiểu, được sự động viên của chính quyền và sự hỗ trợ về chuyên môn, ông quyết định trồng xen hồ tiêu và sầu riêng.
Theo thời gian, sầu riêng phát triển, tỏa tán lá rộng giúp che nắng, giảm nhiệt độ đất, hạn chế bay hơi nước và chắn gió, bảo vệ cà phê trong mùa mưa bão. Hồ tiêu phủ mặt đất, giúp giữ ẩm và giảm xói mòn, tạo điều kiện cho cà phê sinh trưởng tốt hơn.
Ngoài lợi ích cải thiện môi trường canh tác, việc xen canh còn giúp tăng thu nhập và giảm rủi ro. “Hái xong cà phê thì đến mùa hồ tiêu, hết hồ tiêu lại thu hoạch sầu riêng. Nhờ vậy, gia đình tôi có nguồn thu quanh năm, không lo mất mùa một loại cây là mất trắng”, ông Tĩnh chia sẻ.
Ở Ea Tu, những gia đình nông dân quyết định thay đổi phá thế độc canh không phải là hiếm, điều này đã giúp họ thoát được vòng luẩn quẩn của "trồng - thu hoạch - bán - chờ vụ sau", nhất là với cây cà phê đã trở thành một nếp quen khó thay đổi. Giá cả cà phê bấp bênh, chi phí đầu tư ngày càng tăng, trong khi năng suất có dấu hiệu suy giảm do đất đai dần cằn cỗi. Nhiều gia đình dù quanh năm vất vả nhưng thu nhập vẫn không ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc chỉ canh tác một loại cây trồng cũng tạo ra sự lãng phí lớn về lao động trong những thời điểm nông nhàn.
Bước ngoặt có lẽ chỉ thực sự đến khi các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã Ea Tu đóng vai trò là "người dẫn đường" tiên phong trong công cuộc chuyển đổi cây trồng. Với tầm nhìn chiến lược, sự năng động và tinh thần trách nhiệm cao, các HTX Nông nghiệp đã từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân, đưa họ đến với những mô hình canh tác mới, hiệu quả kinh tế cao hơn.
‘Bệ đỡ’ vững chắc cho sự phát triển của các HTX nông nghiệp Ea Tu
Sẽ là không đủ khi nhắc đến sự thành công của các HTX nông nghiệp ở xã Ea Tu mà không nhắc đến vai trò ‘bà đỡ’ quan trọng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk. Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX, Liên minh HTX các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các HTX ở Ea Tu nói riêng và trên cả nước nói chung trong quá trình chuyển đổi và phát triển.
![]() |
Cùng với sầu riêng, bơ... giá cà phê tăng cao đang mang lại nguồn thu lớn cho các hộ nông dân ở Đắk Lắk. |
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk hiện có 783 HTX, trong đó, gần 70% (580 HTX) số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh có 12 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh luôn chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ HTX thông qua tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn.
Tiêu biểu như về tiếp cận nguồn vốn, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có nguồn vốn hoạt động đến năm 2024 là hơn 22 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh cấp dần hàng năm, lũy kế từ năm 2007 đến năm 2024 là 16,446 tỷ đồng; đóng góp của HTX khi vay vốn của Quỹ và bổ sung từ lãi tiền vay (chủ yếu là bổ sung từ tiền lãi cho vay) hơn 6 tỷ đồng. Trong năm 2024, đã giải ngân cho 4 HTX vay với tổng số vốn vay là 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho 8 HTX vay vốn với tổng số tiền vay là 1,152 tỷ đồng.
Về công tác tư vấn hỗ trợ HTX, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX, mỗi HTX được hỗ trợ về xây dựng Điều lệ, tổ chức hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh... đã tham gia tư vấn, hỗ trợ 16 sáng lập viên thành lập mới HTX.
Để hỗ trợ khu vực KTTT, HTX ở Đắk Lắk phát triển, cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đã có buổi làm việc với Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam đã có những định hướng để nâng cao chất lượng khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh.
Bà Cao Xuân Thu Vân, cho rằng việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển KTTT, HTX đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể hiện có, phát triển mới các tổ chức KTTT, từ đó tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho các thành viên HTX, THT có vai trò quan trọng của Liên minh HTX tỉnh, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Liên minh HTX tỉnh cần tiếp tục tích cực tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp HTX phát triển ổn định.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ HTX; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút lao động chất lượng cao tạo sự phát triển bền vững cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực cho HTX cần tiếp tục tiến hành đồng bộ từ khâu tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt của HTX.
Trở lại với câu chuyện chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng ở xã Ea Tu, Đắk Lắk, có thể thấy, sự hỗ trợ của chính quyền, Liên minh HTX là vô cùng quan trọng, thế nhưng nếu bản thân người nông dân không có sự thay đổi tư duy, cách làm thì sẽ rất khó thành công.
Sự chuyển đổi cây trồng thành công của các HTX nông nghiệp ở xã Ea Tu, huyện Krông Pắc là một minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ hiệu quả từ Liên minh HTX Việt Nam và sự năng động, sáng tạo của các HTX, "cuộc cách mạng xanh" ở Ea Tu hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, trở thành hình mẫu cho các địa phương khác học tập và nhân rộng.
Quốc Anh