Cùn với quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, Nho Quan đã chỉ đạo các địa phương phát huy lợi thế từng vùng để bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.
Điểm sáng Phú Long
Từ vùng đất cát pha, nhiều sỏi đá, xã Phú Long đang dần hình thành vùng trồng na chuyên canh điển hình trên địa bàn huyện Nho Quan, cho hiệu quả hàng trăm triệu đồng/ha, mở ra hướng đi nhiều tiềm năng cho người dân địa phương.
![]() |
Cây na đang mở ra hướng đi tiềm năng cho nông dân Phú Long (Ảnh TL). |
Nhờ sự chủ động trong tiếp cận, áp dụng khoa học - kỹ thuật cùng với kinh nghiệm lâu năm, các hộ sản xuất na trên địa bàn xã đang “ép” cây ra quả ở 2 thời điểm chính vụ (từ tháng 7 - 9 dương lịch) và thời điểm trái vụ (từ tháng 9 - 12 dương lịch), giúp giá trị cây trồng tăng lên.
Sau nhiều năm định hình sản xuất, để đảm bảo hiệu quả bền vững, năm 2020, xã đã hỗ trợ thành lập HTX sản xuất na trái vụ và tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long. Ngay khi thành lập, HTX đã thu hút sự tham gia của 19 hộ thành viên.
Ông Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc HTX chia sẻ: “HTX được thành lập với mục tiêu liên kết, hỗ trợ các hộ trồng na theo hướng an toàn sinh thái, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh, định hình thương hiệu thế mạnh đặc trưng của địa phương”.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được hỗ trợ canh tác theo quy trình VietGAP, loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai (được xử lý vi sinh đúng quy trình kỹ thuật).
Các loại thuốc bảo vệ thực vật được HTX tuyển chọn kỹ lưỡng, nằm trong danh mục cho phép, đồng thời tuân thủ đúng nguyên tắc “4 đúng”, gồm: đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian cách ly.
“Bên cạnh giá trị về kinh tế, thì môi trường sinh thái cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của HTX. Đây là điều kiện tiên quyết giúp HTX đảm bảo hiệu quả bền vững cho thành viên, có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương”, ông Thuật nhấn mạnh.
Tạo sức lan tỏa
Cùng với Phú Long, các vùng chuyên canh cây trồng cũng đang hình thành tại nhiều địa phương của huyện Nho Quan. Các mô hình đang mang lại giá trị kép về cả kinh tế và môi trường sinh thái.
![]() |
Nho Quan sẽ tiếp tục đầu tư cho trồng trọt hữu cơ, công nghệ cao (Ảnh TL). |
Điển hình như vùng chuyên canh cây công nghiệp sắn, mía, dứa ở xã Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương; vùng chuyên canh cây dứa khoảng 400 ha, tập trung ở xã Phú Long; vùng trồng lúa đặc sản (nếp hạt Cau) tập trung ở xã Kỳ Phú, Văn Phú, Sơn Thành, Sơn Lai với diện tích khoảng 200ha; vùng chuyên canh cây dược liệu tập trung ở xã Cúc Phương…
Trong thời gian tới, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, huyện Nho Quan xác định giảm dần diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chuyển sang thâm canh lúa - cá ở vùng trũng.
Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các xã có lợi thế trồng cây dược liệu, cây ăn quả ở vùng cao như: mô hình trồng ổi, cam tại xã Đồng Phong, trồng dưa chuột tại xã Sơn Lai, trồng đào tại xã Gia Lâm...
Huyện cũng thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau củ các loại, cây công nghiệp, cây làm thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Đầu tư, hỗ trợ các chương trình, mô hình, kế hoạch sản xuất, nhất là phát triển các cây trồng chủ lực có thế mạnh của huyện mang tính lâu dài, bền vững.
Hưng Nguyên