Với những chính sách thúc đẩy nông nghiệp theo hướng hiện đại, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn, mang lại giá trị cao về kinh tế, môi trường sinh thái, với các loại cây chủ lực như su su, nấm hữu cơ, cây ăn quả…
Làm nông nghiệp sạch
Nhờ có nền nhiệt thấp, khí hậu mát mẻ, Tam Đảo có điều kiện thuận lợi để phát triển cây su su trên các vùng chân núi, sườn đồi. Sự thúc đẩy về thương hiệu cũng đang giúp rau su su trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng, đạt chuẩn OCOP của huyện.
![]() |
Su su đang là nông sản thế mạnh của Tam Đảo (Ảnh TL). |
Theo thống kê, toàn huyện Tam Đảo hiện có trên 130 ha trồng su su, tập trung ở 2 vùng sản xuất rau hữu cơ chuyên canh lớn là thị trấn Tam Đảo và vùng ven chân núi Tam Đảo.
Ông Trần Văn Phát, xã Hồ Sơn, cho biết những năm qua, để nâng cao giá trị cây su su, các hộ sản xuất đã chủ động tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ, VietGAP, sử dụng các loại phân bón vi sinh, thân thiện môi trường, loại bỏ hóa chất độc hại, thuốc trừ cỏ.
“Nhờ áp dụng sản xuất su su theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, chất lượng ngọn su su bảo đảm hơn. Nhiều năm nay, su su được coi là cây giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân địa phương”, ông Phát cho hay.
Cùng với su su, nấm cũng đang là nông sản thế mạnh ở Tam Đảo. Mô hình trồng nấm đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với sự tham gia của nhiều HTX, tổ hợp tác.
Điển hình, HTX Nấm Tam Đảo (xã Hợp Châu) đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/ tháng. Bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường 1 tạ nấm, tiêu thụ rộng khắp nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…
Anh Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên, HTX luôn tích cực đổi mới sản xuất để giảm phát thải, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Đơn cử, trong quá trình làm phôi cấy nấm, thành viên HTX sử dụng các loại nguyên liệu thân thiện môi trường như rơm, rạ, mùn cưa, không có hóa chất độc hại. Các loại rác thải, bao bì được HTX thu gom, xử lý đúng theo quy trình, đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, không khí…
Mở hướng đi bền vững
Thực tế, để có được những thành công hiện tại, thời gian qua huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, phát triển các mô hình quy mô lớn, hiệu quả cao.
![]() |
Huyện đang dành nhiều nguồn lực cho trồng trọt theo hướng hữu cơ, công nghệ cao (Ảnh TL). |
Điển hình, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Hồ Sơn với diện tích 40 ha và thị trấn Tam Đảo với diện tích 35 ha. Các cán bộ nghiệp vụ của tỉnh chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn nhân dân áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp tục áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trước, trong và sau thu hoạch.
Đến nay, 100% các xã trên địa bàn huyện đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Trong trồng trọt sử dụng máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hợp, máy gieo sạ, máy làm đất, lên luống…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả trồng trọt, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện từ khâu sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Mục tiêu trong năm 2021, các doanh nghiệp, HTX sẽ liên kết trên địa bàn với 151 ha, gồm rau su su, rau củ quả các loại, ớt… tại thị trấn Tam Đảo và các xã Hồ Sơn, Hợp Châu, Tam Quan, Đạo Trù, Yên Dương, Minh Quang.
Nhật Minh