Ông Nguyễn Viết Sơn, Giám đốc HTX Hoàng Hà (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà), cho biết HTX hiện có hơn 200 lao động, được dự án nông nghiệp có tưới của Bộ NN&PTNT cung cấp 100% giống, 30% chi phí phân bón và nhiều công trình cơ sở hạ tầng như kênh mương, nhà sơ chế, bảo quản, nhà ươm giống… để phát triển mô hình sản xuất rau hữu cơ.
Để đảm bảo sản xuất sạch, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thành viên HTX được tổ chức tham gia 30 lớp tập huấn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, người dân nắm vững và làm theo quy trình kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới, đã tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Hiệu quả từ sản xuất rau hữu cơ của HTX Hoàng Hà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Để tiếp tục nhân rộng kết quả của mô hình, Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Hà Tĩnh đã xúc tiến xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại thôn Sơn Bình (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) với gần 150 hộ dân tham gia.
![]() |
Sản xuất rau hữu cơ đang mở ra hướng đi hiệu quả cho người dân tỉnh Hà Tĩnh |
Năm 2017, gia đình chị Thư là hộ làm vườn đầu tiên của xã Tượng Sơn được cử tham gia lớp đào tạo kéo dài 30 ngày về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh trang bị quy trình chuẩn trong sản xuất rau an toàn, khóa học còn truyền đạt các kiến thức về ATLĐ, bảo vệ môi trường.
“Sản xuất hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng hiệu quả đem lại gấp 2 – 3 lần. Đơn cử, phòng trừ sâu bệnh bằng các dung dịch hữu cơ tự chế, dù thời gian, công sức tăng gấp đôi nhưng thân thiện môi trường, an toàn cho người sản xuất, sản phẩm bán ra được giá, thu nhập từ vườn cũng đạt trên 200 nghìn đồng/ngày”, chị Thư chia sẻ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào sản xuất rau hữu cơ của địa phương. Tận dụng lợi thế gần nguồn nước, gia đình chị xây dựng mô hình vườn mẫu, lắp đặt hệ thống tưới tự động.
“Trồng rau hữu cơ khác với sản xuất rau thông thường, bởi quy trình trồng rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Sản xuất sạch giúp chất lượng sản phẩm tăng lên, thị trường mở ra, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người sản xuất”, chị Tuyết nói.
Để hỗ trợ người dân sản xuất rau hữu cơ, tháng 2/2017, Viện Phát triển công nghệ Nông nghiệp và Giáo dục đã hỗ trợ hai huyện Hương Khê và Thạch Hà lắp đặt 3 trạm thời tiết, có thể dự báo, cảnh báo thời tiết, dự báo được lượng mưa và thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan… trong phạm vi bán kính 5 - 25km.
Viện cũng xây dựng cổng thông tin quản lý e-Hữu cơ, e-VietGAP cho vùng trồng rau, cam, bưởi, lúa gạo; tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình quản lý cho người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tại các xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà), Cẩm Bình, Cẩm Yên (huyện Cẩm Xuyên), Hương Trà (Hương Khê).
Quang Hải