Ở TP. Phan Thiết, nói đến các HTX chăn nuôi ít người không biết đến HTX Chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp, xã Thiện Nghiệp. Dù mới được thành lập năm 2023 với vỏn vẹn chỉ 10 thành viên, nhưng nhờ cách làm khoa học, áp dụng những kỹ thuật được đào tạo bài bản, chỉ sau 2 năm thành lập, HTX đã có một nền tảng vững chắc trong chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc như: bồ câu Pháp, gà rừng lai, heo rừng lai và con dông…
Nuôi bồ câu trắng dưới tán dừa xanh
Cây dừa xiêm ở Phan Thiết được xem là một cây trồng hợp thổ nhưỡng nên được nhiều hộ trồng, thậm chí xem đây là cây giảm nghèo hiệu quả. Dừa xiêm nơi đây có những đặc tính nổi bật như trái sai đầy buồng, nước ngọt thanh, khác hẳn với những giống dừa trồng ở nơi khác; thu hút du khách và nhiều người sử dụng.
![]() |
Nhiều người dân ở xã Thiện Nghiệp nuôi chim bồ câu Pháp dưới tán dừa vì hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa rễ cây dừa phát triển theo chiều ngang nên hấp thụ phân chim rất nhanh. |
Nhưng việc trồng cây độc canh cũng có những rủi ro, phụ thuộc vào thời tiết, thị trường… nên không phải lúc nào cũng thành công. Đặc biệt, trong bối cảnh phân bón ngày một đắt đỏ, nhiều nông dân trên địa bàn đã có sáng kiến nuôi bồ câu dưới tán dừa, vừa tiết kiệm diện tích, vừa dùng phân chim làm phân bón cho dừa. Hiệu quả của việc làm này đã cho thấy rõ rệt.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Hoàng, một thành viên của HTX Chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp. Ông Hoàng cho biết, trước đây gia đình ông chủ yếu trồng dừa xiêm, thu nhập dù tương đối ổn định nhưng vẫn có năm thất thu nên mấy năm nay ông bắt đầu nuôi thêm chim bồ câu Pháp dưới tán dừa. Nhờ có phân chim làm thức ăn cho cây dừa nên gia đình ông tiết kiệm được một khoản tiền kha khá trong việc mua phân bón cho cây.
Sở dĩ ông Hoàng có ý định nuôi chim bồ câu Pháp là vì hiệu quả kinh tế khá tốt, hơn nữa rễ cây dừa phát triển theo chiều ngang nên hấp thụ phân chim rất nhanh.
“Lượng phân chim này được xử lý cùng với men vi sinh nên ít gây ra mùi hôi. Nhờ được bón phân đầy đủ nên cây dừa sinh trưởng và phát triển tốt. Ở chiều ngược lại, chim bồ câu nhờ được nuôi dưới bóng mát của tán dừa nên có môi trường sinh trưởng tốt, mau lớn”, ông Hoàng cho biết.
Hiệu quả từ sáng tạo trong chăn nuôi
Trong quá trình trồng dừa xen kẽ chăn nuôi, ngoài những kỹ năng, kiến thức được trau dồi qua các khóa đào tạo của HTX, mỗi thành viên trong HTX lại có những sáng tạo, cách làm hay để nâng cao hiệu quả, trong đó phải kể đến anh Nguyễn Văn Tánh.
![]() |
Chăn nuôi dưới tán dừa đang khẳng định tính hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân, HTX ở Phan Thiết. |
Anh Tánh cho biết, trong chăn nuôi điều làm cho người chăn nuôi đau đầu nhất là sự lãng phí thức ăn. Ví dụ nuôi bồ câu, khi mổ thức ăn sẽ có một lượng không nhỏ cám, đậu, thóc… rơi vãi xuống đất. Thông thường người chăn nuôi sẽ coi đó là chuyện đương nhiên trong chăn nuôi. Thế nhưng để tận dụng số thức ăn dư thừa này, anh Tánh đã đưa giống gà rừng vào nuôi chung với bồ câu và đã mang lại hiệu quả.
“Gà rừng có thói quen tìm kiếm thức ăn dưới nền đất và ngủ trên cây nên không xung đột với bồ câu về không gian sống. Hơn nữa, nguồn thức ăn mà bồ câu làm rơi vãi được gà rừng lai tận dụng, làm nguồn thức ăn chính”, anh Tánh cho biết.
Với tổng số gia cầm là 1.000 con gà rừng lai và khoảng 500 cặp bồ câu Pháp sẽ phải tốn lượng thức ăn rất lớn. Để giảm chi phí, anh Tánh nghĩ ra việc nuôi thêm dế mèn để làm thức ăn phối trộn với cám, bắp cùng với một số loại rau, đóng thành viên nén, làm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho đàn vật nuôi.
Nhờ cách làm chăn nuôi này mà anh Tánh đã tiết kiệm được một khoản chi phí mua thức ăn chăn nuôi khá lớn, mang lại hiệu quả bất ngờ trong doanh thu, kinh tế gia đình cũng từ đó khấm khá dần lên. Điều này không những chủ động được nguồn thức ăn cho trang trại, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mà còn thay thế hoàn toàn thức ăn công nghiệp đang tăng giá cao như hiện nay. Cách làm hay của anh Tánh được các thành viên khác của HTX đánh giá cao và làm theo.
Những mô hình như trên không chỉ giúp các thành viên HTX tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững. Sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi sản xuất giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, ổn định đầu ra và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Liên kết sức mạnh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập
Ở Phan Thiết, Bình Thuận, sức mạnh của các HTX không chỉ nằm ở mô hình sản xuất hiệu quả mà còn ở khả năng liên kết các thành viên lại với nhau, tạo thành một tập thể vững mạnh. Thông qua HTX, nông dân có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, cùng nhau mua sắm vật tư đầu vào với giá ưu đãi và đặc biệt là có tiếng nói chung trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều HTX đã chủ động xây dựng thương hiệu, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, phân phối lớn, thậm chí tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Việc tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo số lượng và có nguồn cung ổn định đã giúp các HTX tạo được uy tín trên thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại thu nhập cao hơn cho các thành viên.
Như HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp, dù mới thành lập nhưng HTX này đã khẳng định tên tuổi, tập trung xây dựng thương hiệu cho dừa Thiện Nghiệp. Từ đó đảm bảo giá cả đầu ra ổn định cho người trồng. HTX này không chỉ đóng vai trò kết nối nông dân với thị trường mà còn tạo điều kiện để cộng đồng cùng phát triển. HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng nội địa cho 1,86 ha dừa xiêm, với sản lượng hàng năm đạt 96.000 trái.
Sự vươn lên mạnh mẽ của các HTX chăn nuôi, trồng trọt kết hợp ở Bình Thuận đã chứng minh được vai trò quan trọng của mô hình kinh tế tập thể trong việc nâng cao đời sống của người nông dân và góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương. Bằng cách tận dụng tối đa nguồn lực, giảm thiểu lãng phí, liên kết sản xuất và mở rộng thị trường, các HTX đã tạo ra một hướng đi mới, hiệu quả và bền vững cho nền nông nghiệp của tỉnh.
Nhờ đó đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2024 giảm còn 1,96% (6.621 hộ), giảm hơn 4.000 hộ so với đầu năm 2022. Mặc dù đạt được một số thành công, nhưng theo Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận, hiện nay trên địa bàn vẫn còn những HTX gặp khó khăn trong việc huy động vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến. Các HTX nhỏ lẻ, quy mô sản xuất nhỏ thường không đủ tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn từ ngân hàng. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ hoặc các quỹ phát triển cũng bị hạn chế, đặc biệt là do các quy trình phức tạp và thiếu hiểu biết về chính sách.
Bà Trần Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Bình Thuận cho biết, để hỗ trợ các HTX kết nối, tìm kiếm thị trường, hàng năm Liên minh HTX đã chủ động tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu giữa các HTX và doanh nghiệp. Qua đó đã có nhiều HTX ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức cho 20 HTX tham gia xúc tiến thương mại tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh; Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An... Tổ chức cho 50 lượt HTX tham gia 9 Hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Gia Lai, Bình Định...
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam để hỗ trợ các HTX, đào tạo, nâng cao kỹ năng quản trị. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển. Theo đó mục tiêu cụ thể trong năm 2025, Bình Thuận sẽ thành lập mới thêm 10 HTX với doanh thu bình quân của HTX là 2.250 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 6 triệu đồng/tháng; tỷ lệ cán bộ HTX có trình độ trung cấp trở lên đạt 54%; tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12% tổng số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quốc Anh