HTX Mộc Bắc thành lập ngày 25/10/2006, do ông Phạm Công Sứ làm Giám đốc, ngành nghề chính là hoạt động dịch vụ nông nghiệp. Năm 2017, HTX triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học vào xử lý mùi hôi và xử lý chất thải rắn làm phân hữu cơ vi sinh đa chức năng. Đến nay, mô hình đã cho thấy hiệu quả cao cả về mặt kinh tế và BVMT.
Xử lý mùi hôi trang trại bò sữa
Khác với chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò sữa thải ra một lượng chất thải vô cùng lớn 20 - 30 kg/ngày. Hầu hết các trang trại đều sử dụng dạng chuồng nền cứng và rửa vệ sinh hàng ngày 2 - 3 lần.
Nguồn phát sinh mùi hôi thối ở các trang trại chăn nuôi bò sữa chủ yếu từ phân, thức ăn thừa bắn lên thành tường, ở các đường dẫn nước quanh trang trại…
Để xử lý mùi hôi cho trang trại chăn nuôi bò sữa, HTX đã sử dụng chế phẩm COSTE - MT01. Chế phẩm này được pha theo tỷ lệ 1 lít COSTE - MT01 với 100 lít nước sạch. Sau đó, được phun đều khắp bề mặt chuồng nuôi, bờ tường bao cả bên trong và bên ngoài, 1 lít phun cho 300m2 sàn.
Với sàn chuồng nuôi, các hộ dân tiến hành phun hàng ngày sau khi rửa vệ sinh chuồng trại. Có thể pha trực tiếp chế phẩm vào nước rửa chuồng với tỷ lệ 1 lít/1m3 nước rửa. Phương pháp này lặp lại 1 tuần/lần với thành tường trong tháng đầu tiên, sau đó 2 - 3 tháng phun 1 lần.
Quá trình xử lý chuồng trại chăn nuôi bằng chất phẩm COSTE-MT01 cho thấy, mùi hôi trong khu vực chuồng nuôi giảm cả về mùi và về nồng độ. Kết quả theo dõi nồng độ khí NH3 và H2S trong chuồng trại chăn nuôi giảm khoảng 70%. Mật độ ruồi, muỗi cũng giảm hơn so với khi không sử dụng chế phẩm.
![]() |
Ứng dụng chế phẩm sinh học vào xử lý chất thả rắn tại HTX Mộc Bắc |
Xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn
Việc sử dụng phân bón đa chức năng trong trồng trọt có thể thay thế được 1/2 lượng phân hóa học đồng thời giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa tăng xấp xỉ 20% so với chỉ sử dụng phân bón hóa học.
Xử lý chất thải rắn làm phân hữu cơ vi sinh đa chức năng là mô hình thuộc đề tài “nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ vi sinh chuyển giao cho các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững”.
Đây là đề tài do Ts.Nguyễn Thị Hòa làm chủ nhiệm dưới sự chủ trì của Trung tâm KHCN&MT và chọn HTX Mộc Bắc là nơi thí điểm xây dựng mô hình.
Sau 7 tuần ủ chất thải trong điều kiện ổn nhiệt ở tủ ấm tại phòng thí nghiệm, kết quả quan sát cho thấy, phân hết mùi hôi thối, mẫu thí nghiệm có bổ sung trấu cho kết quả phân hủy tốt hơn.
Phân sau khi ủ bằng chế phẩm vi sinh vật có độ mùn hòa tan tăng gấp đôi so với mẫu đối chứng ủ trong cùng điều kiện nhiệt độ. Phân sau ủ không còn mùi hôi thối, hàm lượng nitơ dễ tiêu và phốt pho dễ tiêu tăng trong mùn hữu cơ thu được sau khi xử lý.
Vi sinh vật gây bệnh trong mẫu thí nghiệm đã không còn, trong khi đó ở mẫu đối chứng vẫn tồn tại. Chế phẩm sau khi ủ được ứng dụng để xử lý chất thải rắn ở trang trại phân bò tại Hà Nam.
Việc sử dụng phân bón sau ủ đã cho kết quả đáng kinh ngạc. Năng suất lúa ở mẫu đối chứng đạt 180 kg/sào Bắc bộ còn ở các thí nghiệm có sử dụng phân bón, năng suất dao động 185 - 220 kg/sào Bắc bộ.
Ngoài ra, việc áp dụng tỷ lệ phân bón khác nhau cũng có ảnh hưởng nhất định tới năng suất cây trồng. Nếu chỉ sử dụng phân hữu cơ mà không sử dụng phân hóa học, năng suất lúa giảm thấp.
Nhận định về phương pháp chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học COSTE - MT01, Ts. Nguyễn Thị Hòa khẳng định, điều kiện chăn nuôi ở nước ta khá phân tán, mang tính nhỏ lẻ, không tập trung và thường xen kẽ ở các khu dân cư. Do vậy, việc sử dụng chế phẩm trong chăn nuôi là phương pháp phù hợp, hạn chế ô nhiễm mùi, chất phế thải xả trực tiếp ra môi trường, đe dọa đến cộng đồng dân cư xung quanh.
Hà Xuyên