HTX Xuyên Sơn ở huyện Cẩm Xuyên đã ứng dụng nuôi cấy mô sản xuất cây giống và trại nuôi hươu giống để cung cấp "đầu vào" tốt nhất cho bà con nông dân Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận.
Đưa công nghệ cao vào sản xuất cây giống
Theo Giám đốc HTX Hoàng Trung Thông, HTX đã trang bị hệ thống thiết bị hiện đại như: tủ cấy sinh học, phòng nuôi, hệ thống hấp sấy, máy móc và hóa chất chuyên dụng... nhằm xây dựng trung tâm nuôi cấy mô với công suất sản xuất hơn 1 triệu cây giống/năm. Mục tiêu của trung tâm là sản xuất các giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa lan như: keo lai, bạch đàn, dó bầu, chuối, lan Hồ Điệp, lan Moncara, lan Vanda… Để duy trì hoạt động bền vững, hiện nay, HTX đã kết nối được các đơn hàng giống keo lai số lượng lớn ở 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
“Lứa đầu tiên, HTX đã nuôi cấy mô thành công hơn 300.000 cây keo lai, dự kiến khoảng 3 tháng nữa, HTX sẽ đưa số cây giống này ra thị trường. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho người dân trồng rừng ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị với giá 2.400 đồng/cây. Mặc dù giá cây giống nuôi cấy mô đắt hơn so với cây giống giâm hom nhưng chất lượng cây giống khỏe hơn và sẽ cho gỗ lớn hơn sau thu hoạch”, ông Hoàng Trung Thông cho hay.
![]() |
HTX Xuyên Sơn đã ứng dụng nuôi cấy mô sản xuất cây giống để cung cấp "đầu vào" tốt nhất cho bà con nông dân Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận. |
Không chỉ đầu tư, ứng dụng nuôi cấy mô để sản xuất giống cây trồng, đầu năm 2025, HTX Xuyên Sơn còn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng trại nuôi hươu giống quy mô 140 con ở thôn Đông Thuận, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên nhằm mục tiêu nghiên cứu nhân giống hươu bằng công nghệ hiện đại. Mới đây, HTX đã thả nuôi đàn hươu giống đầu tiên quy mô 40 con.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cây giống, con giống, HTX Xuyên Sơn đang từng bước xây dựng một làng nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên vùng sơn trà xã Cẩm Thịnh, qua đó góp phần nâng cao năng suất rừng trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh nhận xét, HTX Xuyên Sơn là HTX đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh đưa công nghệ cao vào sản xuất cây, con phát triển nông nghiệp, nhất là công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất cây giống. Từ hướng đi chủ lực của HTX, hiện nay, địa phương đã xây dựng được 3 mô hình nuôi hươu quy mô 10 con/lứa. Kỳ vọng từ trung tâm nuôi cấy mô sẽ phát triển khoảng 30 vườn ươm cung cấp cây giống cho các tỉnh Bắc Trung Bộ.
“Với sự đầu tư bài bản, quy mô và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chúng tôi kỳ vọng HTX sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, mở ra hướng đi mới trong phát triển cây con chủ lực cho vùng sơn trà xã Cẩm Thịnh và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống cho người dân”, ông Thịnh nói.
HTX hưởng lợi lớn từ ứng dụng công nghệ cao
Thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều HTX tại tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Hiện ứng dụng khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá, là điều kiện tất yếu để các HTX thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và nâng cao giá trị.
HTX Nga Hải ở xã Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân) được biết đến là một trong những cơ sở đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, HTX đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng xây dựng 5.000 m2 nhà màng khép kín để trồng dưa lưới và nho theo công nghệ của Israel. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các công ty lớn để nuôi lợn và gà thương phẩm với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Với quy mô 2.400 con lợn thương phẩm/lứa và 2 vạn con gà/lứa.
Theo ông Lê Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nga Hải cho biết các hệ thống sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hiện nay đều được ứng dụng các công nghệ hiện đại, theo quy trình tự động hóa. Hiện doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt gần 10 tỷ đồng.
Còn tại khu sản xuất Đồng Ghè (thành phố Hà Tĩnh), trại nuôi cua thương phẩm ba giai đoạn của HTX nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng trên diện tích hơn 1.000 m2 đất là một trong những mô hình tiên phong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, hệ thống chuồng nuôi cua bằng hộp nhựa.
Giám đốc HTX Hạ Vàng Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, nhờ sử dụng công nghệ cân bằng khoáng và hệ thống lọc nước tuần hoàn nên phương thức nuôi này tiết kiệm được không gian, lượng nước đầu vào. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, thức ăn, quá trình sinh trưởng và phát triển được vật nuôi. Nhờ đó, rút ngắn được thời gian nuôi từ 6 - 8 tháng so với nuôi tôm quảng canh.
“Hiện trung bình mỗi năm HTX nuôi 4 lứa, xuất bán ra thị trường khoảng 1,2 tấn cua thương phẩm các loại. Với giá bán 600.000 đồng/kg, mỗi năm mô hình này cho thu nhập hơn 700 triệu đồng. So với cùng diện tích nếu trồng lúa thì thu nhập gấp 10 - 15 lần”, ông Nguyễn Văn Hòa thông tin.
![]() |
HTX Hạ Vàng đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, hệ thống chuồng nuôi cua bằng hộp nhựa. |
Cùng với nuôi cua trong hộp, HTX còn đầu tư, triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh cho sản lượng đạt 8,5 tấn/ha, doanh thu gần 1 tỷ đồng/vụ.
Đóng góp vào công cuộc giảm nghèo
Tại tỉnh Hà Tĩnh hiện có trên 35 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, quản lý. Tiêu biểu như công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; quản lý, giám sát chăn nuôi thông qua hệ thống camera, máy tính; ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển bán tự động trong quá trình tưới nước và bón phân trong nhà lưới, nhà màng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 110 sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm này đều ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, các sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh đã được nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần gia tăng giá trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đời sống người dân được nâng cao, công tác giảm nghèo có những bước đi đột phá. Tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 9.236 hộ (với 19.109 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 2,40% (giảm 2.336 hộ so với năm 2023, tương ứng giảm 0,97%); tổng số hộ cận nghèo 11.736 hộ (với 34.921 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 3,04% (giảm 1.211 hộ so với năm 2023, tương ứng giảm 0,33%).
Nhận định các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ góp phần thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, lãnh đạo tỉnh cho biết Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, nhiệm vụ, nghiên cứu ứng dụng thành tựu tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp. Trong số đó, chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ các HTX tiếp cận, thụ hưởng 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Ngoài ra sẽ phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ để HTX thực sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Ngọc Giang