Trong câu chuyện nỗ lực thoát nghèo của người dân xã Hướng Hiệp (với 1.411 hộ dân, trong đó có 607 hộ nghèo và 178 hộ cận nghèo) phải kể đến HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp. Hiện nay, đàn vật nuôi của HTX duy trì thường xuyên hàng trăm con, chủ yếu là lợn bản Vân Pa và dê núi. HTX vừa chăn nuôi vừa cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn, và là một nguồn cung dược liệu tương đối lớn.
Tâm huyết với lợn bản Vân Pa
Thời gian qua, HTX Hướng Hiệp là hình mẫu, được người dân hướng đến, học tập. Ông Đỗ Văn Ánh, Giám đốc HTX, cho biết từ ngày HTX ra đời, thu nhập của các thành viên đều cải thiện.
![]() |
HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp dành nhiều tâm huyết để phát triển đàn lợn bản Vân Pa. |
Ít ai biết, ban đầu, HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp ra đời đơn thuần từ sự liên kết làm ăn của anh Đỗ Văn Ánh (nguyên là một cán bộ nhà nước) với 6 người cùng chí hướng. Xuất phát từ mong muốn có cuộc sống no ấm hơn, họ đã tận dụng vùng đất hoang hóa ở Hướng Hiệp để chăn nuôi, trồng trọt.
Thời gian đầu, các thành viên chủ chốt của HTX mua và thuê 2ha đất ở thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, đồng thời đăng ký thành lập HTX nông nghiệp Hướng Hiệp với 2 ngành nghề chính là xây dựng dân dụng và chăn nuôi.
Trong đó, riêng mảng chăn nuôi được HTX dành nhiều tâm huyết, quyết tâm với 2 loại vật nuôi chủ lực là heo, dê. Với diện tích đất cao ráo, bằng phẳng có được, anh Ánh và các thành viên ban đầu của HTX đã dồn tất cả vốn liếng tích góp được đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại, khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, trồng rau, cỏ... để nuôi heo và dê núi.
“Ban đầu, tôi đăng ký nuôi giống lợn thông thường, nhưng sau nhớ lại thời còn làm công tác Đoàn đã nghe đến đề án bảo tồn giống lợn bản Vân Pa. Vì thích thú với giống lợn truyền thống này nên tôi quyết tâm theo đuổi. Khi thành lập HTX, tôi mong muốn hồi phục giống lợn bản địa truyền thống này để thử sức và từng bước đưa trở lại thị trường”, anh Ánh thông tin.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp, việc nuôi lợn nói chung có tính rủi ro cao, nhưng với giống lợn Vân Pa thì rủi ro là thấp, nhất là về dịch bệnh vì sức đề kháng của chúng rất tốt. Qua các đợt dịch tả mấy năm qua, nhiều trang trại có lợn bị chết nhiều nhưng lợn của HTX gần như không bị nhiễm bệnh. Giống lợn này lại dễ nuôi, cho ăn chủ yếu rau cỏ, phụ phẩm nông nghiệp và giá bán khá cao nên việc chăn nuôi tương đối thuận lợi.
Và nhờ đầu ra của lợn bản Vân Pa hiện nay rất ổn định đã giúp HTX tạo việc làm cho không ít đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hiệp với với thu nhập ổn định, bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Truyền cảm hứng khát vọng vươn lên
Gắn bó từ đầu với HTX, chị Hồ Thị Bông (32 tuổi) ở thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, tâm sự: “Lúc trước, hai vợ chồng tôi làm thuê đủ việc nhưng thu nhập thấp và bấp bênh, chỉ đủ nuôi 2 con. Giờ làm công việc chăm sóc, chăn nuôi lợn, dê cũng không quá nặng nhọc mà ổn định và có mức lương khá cao nên đủ trang trải cuộc sống khá thoải mái. Vợ chồng tôi phấn khởi lắm”.
![]() |
Câu chuyện phát triển kinh tế HTX đang truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân ở xã Hướng Hiệp trong chăn nuôi để thoát nghèo bền vững. |
Mục sở thị “đại bản doanh” của HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp sẽ thấy khu trang trại rộng rãi, cao thoáng với những khu vườn rau khoai lang, cây cỏ voi, cây chè khổng lồ đang lên xanh mướt.
Cùng với đó là một khoảng đất trống vừa được san gạt bằng phẳng với các loại vật tư, thiết bị chuẩn bị dựng chuồng trại. Hiện, HTX đang mở rộng quy mô chuồng trại để tăng đàn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng.
Theo đánh giá từ lãnh đạo địa phương, đặc sản lợn bản Vân Pa của HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp có cơ hội trở thành thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Trị nếu được đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng sản lượng để cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.
Có thể thấy từng bước đi đầy nỗ lực, việc chăn nuôi, trồng trọt, đổi thay về cách nghĩ, cách làm của HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp và nhiều người dân khác là một trong những ví dụ cụ thể cho nỗ lực thoát nghèo của người dân Hướng Hiệp.
Câu chuyện phát triển của HTX này đang truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân ở xã Hướng Hiệp. Một thời, cuộc sống của bà con nơi đây sấp ngửa với đói nghèo, lạc hậu. Để làm nên sự đổi thay, điều quan trọng là cần nuôi khát vọng vươn lên, dám nghĩ, dám làm bằng hướng đi mới.
Theo lãnh đạo huyện Đakrông, bên cạnh đóng góp vào việc bảo tồn, phục hồi giống lợn Vân Pa, HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp còn cung cấp giống, tạo việc làm cho bà con, góp phần giúp xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Hiện nay, bà con đã dần quen với việc hợp tác sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế. Sự ra đời của các HTX, tổ hợp tác đầu tiên trên địa bàn Hướng Hiệp chính là một trong những minh chứng sinh động, rõ nét.
Với mục tiêu đặt ra là mỗi năm giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo, việc huy động sức mạnh tổng thể và phát triển kinh tế hợp tác được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp người dân Hướng Hiệp hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Không để ai bỏ lại phía sau
Nỗ lực thoát nghèo ở Hướng Hiệp với kinh tế hợp tác cũng cần được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhằm giúp người dân nơi đây thay đổi nhận thức, hiểu được vai trò “bà đỡ” của HTX. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức để tham gia nhiều hơn vào các HTX; hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả; tư vấn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật...
![]() |
Để hướng tới thoát nghèo bền vững, chính quyền xã Hướng Hiệp đang phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. |
Mặt khác, các mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại ở Hướng Hiệp cần được khuyến khích xây dựng, nhân rộng. Điều quan trọng là để cho người dân địa phương dần quen với việc dùng phương tiện, máy móc hiện đại thay cho sức người. Từ đây, số hộ nghèo trong xã giảm dần.
Hơn thế nữa, để hướng tới thoát nghèo thì chính quyền địa phương ở Hướng Hiệp cần phát huy cao nhất tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cán bộ xã Hướng Hiệp đã thường xuyên đến thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm hiểu những khó khăn, thử thách mà người dân nói chung, các hộ nghèo nói riêng đang đối mặt.
Trên cơ sở đó, chính quyền xã Hướng Hiệp tìm giải pháp phù hợp để hỗ trợ mỗi trường hợp. Đối với các hộ có ý thức thoát nghèo chưa cao, công tác tuyên truyền, vận động được cán bộ tập trung làm tốt. Mặt khác, khi nắm rõ người dân gặp khó ở đâu, cần gì, chính quyền vào cuộc bằng cách tìm kiếm nguồn lực, sự hỗ trợ phù hợp. Nhờ đó mà người dân đã ý thức sâu sắc hơn, nhân lên quyết tâm giảm nghèo, làm giàu cho mình, cho quê hương.
Lãnh đạo xã Hướng Hiệp cũng khẳng định: “Với sự nỗ lực vượt bậc, hiện nay, số hộ nghèo ở xã Hướng Hiệp đang ngày càng giảm với tỷ lệ giảm trung bình khoảng 5%/ năm. Trước đây, một bộ phận người dân xem làm giàu cho quê hương là việc riêng của... cán bộ xã. Suy nghĩ ấy nay đã hoàn toàn thay đổi. Ai cũng quyết tâm vươn lên, làm giàu cho mình, cho quê hương”.
Thanh Loan