Diện tích trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Pú Nhung, Rạng Ðông, Mùn Chung, Nà Tòng. Đáng chú ý, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, Tuần Giáo đã trở thành địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh Điện Biên với gần 1.400ha, tại 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang.
Mắc ca là cây trồng mũi nhọn
Để phát triển cây mắc ca bền vững, thì việc thành lập các HTX, tổ hợp tác mắc ca tại huyện Tuần Giáo là việc làm cần thiết. Theo đó, năm 2022, huyện đã chỉ đạo thành lập 2 HTX mắc ca tại 2 xã Quài Cang và Quài Nưa theo hướng liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Trong đó, HTX Dịch vụ mắc ca Quài Nưa, bản Minh Thắng, xã Quài Nưa với 9 thành viên và 293 hộ tham gia với diện tích khoảng 200ha; HTX Dịch vụ mắc ca Quài Cang, bản Phủ, xã Quài Cang với 9 thành viên và 205 hộ tham gia với diện tích trên 100ha.
Các HTX tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến tiêu thụ theo mô hình hộ nông dân – HTX – Nhà đầu tư, thông qua hợp đồng kinh tế giữa HTX và nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư giữ vai trò trung tâm của chuỗi liên kết. HTX là đầu mối đại diện của hộ dân tham gia liên kết với nhà đầu tư, khuyến khích các hộ dân có đất tham gia vào HTX và trở thành thành viên của HTX.
![]() |
Nhiều diện tích cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. |
Ông Bùi Văn Giang, Giám đốc HTX dịch vụ Mắc ca Quài Nưa chia sẻ, việc thành lập HTX mắc ca giúp các hộ nông dân sản xuất nhỏ tập hợp lại trong một tổ chức kinh tế chung, để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên, người dân được Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu ở địa bàn khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ tối đa 70% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu ở địa bàn còn lại.
HTX sẽ cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên HTX với giá thấp nhất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá bán cao nhất, thay vì phải qua các khâu trung gian làm tăng giá đầu vào và hạ giá thành sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra HTX còn liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo thực trạng diện tích đất trồng cây hàng năm, doanh nghiệp trồng mắc ca hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm.
Kỳ vọng thoát nghèo từ cây ăn quả
Trước đây người dân ở Tuần Giáo chỉ tập trung trồng ngô, sắn kém hiệu quả, nhưng từ nhiều năm trước, được sự vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, các hộ nông dân đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả dài ngày như: xoài, bưởi da xanh, dứa, mít... cho hiệu quả cao, thu nhập ổn định.
Chị Lường Thị Nga, xã Quài Nưa cho biết, tham gia mô hình liên kết trồng xoài, với diện tích 1ha, gia đình chị đã có thu nhập bình quân mỗi năm đạt 60 triệu đồng.
“Trước đây, diện tích này được gia đình trồng ngô, sắn nhưng sau nhiều năm năng suất thấp, tôi đăng ký tham gia dự án trồng cây ăn quả với mong muốn tìm được hướng đi lâu dài trong phát triển kinh tế. Đến nay, vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng trước đây, gia đình tôi từ hộ nghèo, đến nay đã thoát nghèo và có của ăn, của để”, chị Nga chia sẻ.
Anh Là Văn Lý, xã Pú Nhung chia sẻ: "Khi tham gia mô hình liên kết trồng quýt, bà con rất yên tâm khi được cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện về hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm".
Anh Lý cho biết, gia đình có 250 gốc quýt đường trồng từ năm 2019. Năm trước cho thu hoạch vụ đầu tiên, giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, vụ năm nay nếu hái hết có thể đạt khoảng 5 tạ.
![]() |
Các HTX đã tiên phong trong liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. |
Trước đây, anh Lý chủ yếu trồng ngô, sắn… nhưng hiệu quả thấp, đất bạc màu do dinh dưỡng thấp nên năng suất không ổn định. Từ năm 2019 qua tìm hiểu trên internet, anh Lý nhận thấy giống quýt đường ngoài thị trường giá cao, có thể trồng được cả trên vùng đất đã bạc màu, giống chỉ mua một lần và sử dụng lâu dài. Qua giới thiệu của người quen, anh đã về Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội mua 250 cây quýt giống, trồng thử nghiệm trên sườn đồi nương ngô cũ của gia đình.
Không phụ công người chăm sóc, sau 2 năm trồng, quýt cho thu hoạch vụ đầu tiên. Vụ đầu năm 2025, năng suất cao hơn vụ trước, quả mọng, tròn và ngọt hơn nên được người dân trong bản, xã tìm đến mua chủ yếu phục vụ đám cưới, đám hỏi, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.
Phát triển vùng chuyên canh tập trung
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tuần Giáo chia sẻ, xã Pú Nhung đã trở thành một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Tuần Giáo, với hơn 100ha, tập trung chủ yếu tại các bản: Phiêng Pi; Đề chia A, B; Chua Lú.
Cùng với điều kiện về thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng, xã Pú Nhung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ vốn, giống cây nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tham gia để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cho những cây trồng cũ kém hiệu quả.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, huyện Tuần Giáo xác định phát triển cây ăn quả chất lượng cao là một trong những hướng phát triển kinh tế chính của ngành nông nghiệp.
Theo đó, huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện 56 dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 484,2ha; gồm: 248,1ha xoài; 52,9ha mít; 22ha nhãn chín muộn; 80,9ha lê; 66,9ha bưởi; 13,4ha chanh leo tím, nhiều diện tích cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Ngoài ra huyện cũng thường xuyên phối hợp với Liên minh HTX tỉnh về công tác nắm tình hình hoạt động của các HTX và Tổ hợp tác trên địa bàn, đặc biệt là công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX, tư vấn kỹ thuật trồng mới cây ăn quả, đặc biệt là cây mắc ca.
Trong năm vừa qua huyện cùng với Liên minh HTX tỉnh đã mở các lớp tập huấn cho 50 học viên là Hội đồng quản trị HTX, kế toán và các thành viên của các HTX và Tổ hợp tác trên địa bàn huyện.
Thông qua lớp tập huấn, nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về thuế cho các chức danh trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, kế toán HTX nắm vững kiến thức cơ bản về triển khai nộp thuế, kê khai, quyết toán thuế, quản lý kinh tế, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, áp dụng các mô hình tiên tiến, điển hình vào thực tế hoạt động HTX.
“Đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 31,24%, giảm 7,15% so với năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/năm”, bà Phạm Thị Tuyên chia sẻ.
Minh Thành