Để áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được thuận lợi, HTX đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp đồng hành với người dân trong cả quá trình sản xuất.
Nói không với phân, thuốc hóa học
Vào những thời điểm quan trọng của mùa quýt, các kỹ thuật từ cắt tỉa cành, làm cỏ, chăm sóc quả đều được cán bộ khuyến nông xuống tận vườn tập huấn, hướng dẫn cho người dân. Bởi vậy, thành viên HTX luôn thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất nhằm bảo vệ thương hiệu quýt sạch Bắc Kạn.
Giám đốc Ma Thế Huy cho biết, ngay từ khi lựa chọn quýt ngọt là cây trồng chủ lực, các thành viên HTX xác định để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn, bắt buộc phải làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe người dùng.
Là những người đi đầu trong trồng cây ăn quả trên đất dốc, 12 hộ thành viên đã từng bước tìm hiểu và đi sâu vào việc sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng và tiến tới "nói không" phân bón hóa học. Các loại thuốc bảo vệ thực vật được lựa chọn đều có nguồn gốc sinh học, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài chú trọng các bước chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ở các thời điểm như ra hoa, đậu quả, quả non, trước khi thu hoạch quả từ 1 - 2 tháng, HTX tuyệt đối không phun thuốc để quả không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
![]() |
Những trái quýt được trồng theo quy trình VietGAP giúp HTX Dương Phong từng bước xây dựng được thương hiệu trên thị trường. |
“Các thành viên đều phải ký cam kết sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" khi tham gia HTX, đó là: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Có như vậy, mới bảo đảm quả quýt khi đưa ra thị trường không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Huy chia sẻ.
Sau nhiều năm canh tác trong tình trạng lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và môi trường, việc các hộ thành viên được HTX hướng dẫn chuyển đổi sang trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Từ ngày không dùng thuốc sâu hoá học trên vườn quýt đường, ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên HTX cảm thấy người khỏe hẳn ra. Không những thế, việc không dùng thuốc sâu hoá học còn giúp gia đình ông giảm 20-25% chi phí sản xuất.
HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Dương Phong thực hiện trồng quýt trên diện tích 47ha. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, HTX đã có 15ha quýt được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, các thành viên đang nỗ lực để diện tích còn lại được công nhận đạt chuẩn VietGAP trong năm 2021 này.
Bước ngoặt trong sản xuất
Theo Ban giám đốc HTX, kinh tế hợp tác vẫn là hướng đi phù hợp nhất với trình độ và năng lực của người dân vùng núi. Bởi khi vào HTX, các thành viên được các cấp ngành hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, máy móc để hoàn thiện quy trình sản xuất.
Trong quá trình trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP buộc phải cắt tỉa cành để bảo đảm năng suất và chất lượng quả, nhưng người dân trước đây theo cách truyền thống thường "xót cành, xót của" nên không tỉa. Tuy nhiên, nhờ có cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp giải thích, nên các thành viên đã thực hiện rất tốt. Đến nay, 12 thành viên của HTX trồng 47ha quýt đều thống nhất cùng sản xuất an toàn.
![]() |
Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn giúp quýt có độ đồng đều cao. |
Thực tế, trồng quýt theo tiêu chuẩn an toàn sẽ kéo dài được tuổi thọ của cây, năng suất cao và dịch bệnh cũng giảm nên chi phí đầu vào thấp hơn từ 20 - 30%, giá thành giảm xuống. Vì vậy, mô hình sản xuất của HTX Dương Phong đang mang lại lợi nhuận cao hơn so với cách trồng truyền thống, trong khi lại đảm bảo sức khỏe và tốt cho môi trường.
Thực hiện theo quy trình VietGAP, tỷ lệ quả quýt bi giảm rõ rệt, chỉ còn 15-20%. Về đầu ra cho quýt bi, HTX cung cấp cho HTX Hương Ngàn để làm tinh dầu. Còn lại, quả loại 1 và loại 2 sẽ được xuất bán cho siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở trong và ngoài tỉnh.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được coi là bước ngoặt cho các thành viên, vì nếu vẫn giữ phương pháp trồng quýt truyền thống, người dân luôn rơi vào cảnh được mùa mất giá, đầu ra không ổn định do phụ thuộc thương lái.
Tuy nhiên, đến nay, người dân có thể yên tâm sản xuất loại cây thế mạnh của địa phương. Hiện, 1ha quýt của HTX cho năng suất 8-8,5 tấn, mục tiêu của HTX là nâng lên 9-10 tấn quả/ha.
Tùng Lâm