Đi vào hoạt động từ tháng 5/2018, HTX Tơ Tung hoạt động chính trong các lĩnh vực chế biến nông sản (măng khô, tinh dầu sả…), sản xuất lúa nước và phát triển các ngành nghề truyền thống. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Đẩy mạnh hiện đại hóa
HTX Tơ Tung hiện có 41 thành viên, triển khai trồng hơn 32 ha sả, năng suất đạt 13 tấn/ha/năm. Ngoài cây sả, mỗi năm, HTX còn thu mua hàng chục tấn măng le, bí đao và nhận sấy nhiều loại nông sản như nấm, chè dây, đinh lăng, chuối hột… cho người dân trên địa bàn.
![]() |
Khu sấy nông sản trang bị máy móc hiện đại của HTX (Ảnh TL). |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc HTX Tơ Tung, cho hay ngay từ những ngày đầu hoạt động, HTX đã xác định lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, giàu sức cạnh tranh, chinh phục người tiêu dùng.
Theo đó, sau khi ổn định tổ chức, HTX đã huy động nguồn lực của các thành viên đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy nông sản, đồng thời cập nhật những công nghệ mới nhất để áp dụng vào khâu chế biến sâu.
Đơn cử, trong hoạt động chế biến cây sả, cây trồng mũi nhọn của thành viên, HTX đã trang bị hệ thống lò nấu và máy chiết xuất tinh dầu hiện đại, theo công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay.
Theo Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, quá trình chiết xuất tinh dầu của HTX diễn ra nhanh hơn, năng suất tăng 10 - 15% so với các loại máy móc công nghệ cũ, công suất nhỏ, chất lượng được đảm bảo, với hương thơm rất đặc biệt, gây ấn tượng mạnh với khách hàng.
Hay trong hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm măng le khô, HTX ứng dụng máy móc hiện đại từ khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, đến sấy khô, đóng gói và tiêu thụ.
Điển hình, trong khâu sấy, HTX trang bị máy sấy công suất lớn, với sản lượng mỗi ngày hàng chục tấn măng tươi, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của thành viên và nông dân liên kết. Sản phẩm măng khô chất lượng cao sau đó được đóng gói, hút chân không, ép nhiệt để đảm bảo độ thơm, ngon đặc trưng.
“Tương tự như măng khô, các mặt hàng nông sản khác như nấm, chuối hột, chè, đinh lăng… cũng được HTX chế biến theo công nghệ hiện đại, qua đó đảm bảo sức cạnh tranh mạnh, nhờ chất lượng vượt trội, đóng gói bao bì đẹp, nguồn gốc rõ ràng. Công nghệ mới cũng giúp sản phẩm của HTX có thể bảo quản trong thời 2 – 3 năm, chất lượng không đổi”, bà Thanh Hương phân tích.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Việc đầu tư mạnh cho công nghệ chế biến giúp HTX Tơ Tung nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó hướng tới việc xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
![]() |
HTX đang chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm (Ảnh TL). |
Năm 2019, HTX chọn sản phẩm măng le khô để đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm này sau đó đã được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh Gia Lai.
Kể từ khi được nâng hạng OCOP, HTX đã chủ động đầu tư, quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đầu năm 2020, sản phẩm măng le khô của HTX đã có mặt trong chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam ở tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế và TP. Đà Nẵng. Sản phẩm cũng được trưng bày tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc.
Riêng mặt hàng tinh dầu sả của HTX được một công ty dược ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu với giá 350 - 400 ngàn đồng/lít. Ngoài ra, các sản phẩm trà bí đao, dược liệu, trái cây… được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Nhờ đó, doanh thu năm 2020 đạt trên 1,8 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên.
Điển hình, vào đầu năm 2019, được HTX Tơ Tung định hướng, bao tiêu sản phẩm, anh Phan Đình Hào (làng Đồng Tâm) đã chuyển đổi 4 sào mì sang trồng cây sả Java và nhanh chóng cho hiệu quả cao.
Anh Hào cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào đất, trong đó 2 sào dùng cấy lúa. Diện tích còn lại trồng mì thu nhập chẳng đáng là bao. Khi chuyển sang trồng cây sả, cứ 2 tháng, gia đình tôi thu về 5 - 6 triệu đồng”.
Sau măng le sấy khô, HTX tiếp tục chọn sản phẩm trà bí đao và tinh dầu sả đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Dù chất lượng đã được đảm bảo tuyệt đối, tuy nhiên, do còn thiếu một số thủ tục nên 2 sản phẩm này chưa được công nhận.
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Trong năm 2021, chúng tôi cố gắng hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. HTX cũng sẽ chú trọng đa dạng hóa sản phẩm đi kèm với nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Nhật Minh