Điển hình trong số những tấm gương khởi nghiệp thành công với nghề gia truyền này là anh Nguyễn Thế Hoàng, Giám đốc HTX chế biến thủy sản Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa). Sau gần chục năm gắn bó và gây dựng, đến nay HTX chế biến thủy sản Hải Bình đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chàng kỹ sư hồi hương... làm mắm
Ở làng biển thuộc thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), có lẽ ít ai không biết anh Nguyễn Thế Hoàng (sinh năm 1979), Giám đốc HTX chế biến thủy sản Hải Bình - một người con chính gốc miền biển phường Hải Bình thành công với thương hiệu nước mắm gia truyền tại quê hương.
![]() |
Sản phẩm mắm truyền thống tại HTX chế biến thủy sản Hải Bình (Thanh Hóa). |
Anh Hoàng cho hay, cũng giống như bao bạn trẻ khác ở thế hệ 7x một thời, việc được đi học và tốt nghiệp đại học là sự hãnh diện, niềm tự hào của gia đình, bà con lối xóm. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, anh Hoàng dễ dàng kiếm được công việc đúng chuyên ngành tại công ty xây dựng cùng mức lương 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nỗi niềm của một người con xa quê hương luôn khiến anh Hoàng đau đáo trăn trở.
“Là xã miền biển, quanh năm tôm cá, 2 ngành nghề chính của người dân là làm mắm và muối, cuộc sống khó khăn khiến tư duy định hướng của hầu hết thanh niên là đi xa để làm ăn, phát triển. Vậy các ngành nghề truyền thống hàng trăm năm của cha ông liệu thế hệ trẻ có còn ai gìn giữ, trong khi dư địa nguồn nguyên liệu tại địa phương thì sẵn có và dồi dào, việc phát triển nghề mắm để làm giàu là hoàn toàn có khả thi”, anh Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.
Từ suy nghĩ đó, năm 2016 anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Nhung quyết định bỏ công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh để về quê làm mắm.
Khi bắt tay khởi nghiệp, nhờ kết hợp kinh nghiệm từ nghề truyền thống của cha ông cùng những kiến thức học tập được ở các tỉnh phía Nam, anh Hoàng tạo dựng thương hiệu nước mắm quê hương và gặt hái được nhiều thành công mà hàng chục cơ sở mắm nhiều đời ở phường Hải Bình thời điểm đó chưa thể có được.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy thị trường trong nước và xuất khẩu còn nhiều tiềm năng, anh Hoàng đã thành lập HTX để liên kết các cơ sở sản xuất địa phương, xây dựng thương hiệu tạo sức cạnh tranh và phát triển thị trường cho sản phẩm.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay nước mắm truyền thống địa phương tại quê hương của anh Hoàng đã đạt tiêu chuẩn và xuất khẩu được thị trường Hàn Quốc, Nga và nhiều nước khác.
Lan tỏa các mô hình kinh tế tập thể
Được biết, nhờ phát triển các mô hình tổ hợp tác và HTX, tính đến nay tại Thị xã Nghi Sơn, ngoài HTX chế biến thủy sản Hải Bình còn khá nhiều các thương hiệu nước mắm truyền thống tương tự đã và đang phát triển khá tốt, tạo nên những điểm sáng trong hoạt động của khu vực kinh tế tập thể.
Đơn cử, tại HTX nước mắm Vũ Gia Ba Làng, tổ dân phố Xuân Tiến, phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), mặc dù mới thành lập tháng 2/2024, song HTX này đã hoạch định được những đường hướng phát triển rõ ràng, triển vọng.
Anh Vũ Tiến Điệp, giám đốc HTX, cho biết: "Cư dân tại phường Hải Thanh vốn có nghề làm mắm truyền thống từ lâu đời, để xây dựng, phát huy nhãn hiệu tập thể nước mắm Ba làng, chúng tôi đã tập hợp được 7 hộ có quy mô sản xuất lớn, đủ nhiệt huyết tại địa phương thành lập HTX để thống nhất quy định sản xuất, hỗ trợ nhau trong tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường.
![]() |
Nhiều thương hiệu nước mắm truyền thống tại Thanh Hóa được hình thành từ các mô hình kinh tế tập thể. |
Để bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, ngay khi thành lập, HTX nước mắm Vũ Gia Ba Làng luôn tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu sản xuất. Nhờ đó, một số sản phẩm mang nhãn hiệu Vũ Gia Ba Làng, như: mắm tôm, nước mắm, mắm tép... đã được thị trường, người tiêu dùng đón nhận. Trung bình mỗi tháng HTX tiêu thụ khoảng 10 - 12 nghìn lít nước mắm, 10 tấn mắm các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường nội tỉnh mà còn được phân phối theo hệ thống đại lý trên địa bàn TP Hà Nội.
Anh Vũ Tiến Điệp, giám đốc HTX khẳng định: Tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm nước mắm Vũ Gia đã được cơ quan chuyên môn chứng nhận, người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện, HTX đang xây dựng quy trình, thủ tục hồ sơ để trình UBND huyện chấm, xét công nhận sản phẩm OCOP để đủ điều kiện tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại do các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, cho biết, những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh có bước phát triển về số lượng và hiệu quả hoạt động. Nhiều HTX thành lập mới đã giúp tập hợp, vận động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, nhiều HTX thực hiện tốt việc liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo sức bật cho kinh tế tập thể, HTX chung của tỉnh.
Tiếp tục phát huy
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá có nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, nòng cốt là các Hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế của địa phương.
Dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, vai trò của Liên minh HTX tỉnh tiếp tục được khẳng định là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Nhiều Hợp tác xã trong tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, kết nối, xây dựng chuỗi tiêu thụ để đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Từ đó, thúc đẩy người dân đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ từ chính sách để vươn lên thoát nghèo.
Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 1.364 HTX, với 251.900 thành viên; trung bình mỗi năm, tỉnh thành lập mới hơn 50 Hợp tác xã, kết nạp mới gần 2.000 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông - vận tải... với thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX đạt 51 triệu đồng/người/năm, hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những mô hình tổ hợp tác và HTX trẻ khởi nghiệp thành công từ làng nghề truyền thống như những tấm gương kể trên, đã và đang góp phần ổn định đời sống, lan tỏa tinh thần sáng tạo cho nhiều thế hệ trẻ kế cận, đồng thời tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh: "Liên minh HTX tỉnh tiếp tục làm tốt công tác rà soát, lựa chọn các dự án giảm nghèo phù hợp và các đơn vị liên kết thực hiện có năng lực, uy tín để thực hiện tại các huyện khó khăn của tỉnh. Cùng với đó, thông qua các dự án sẽ lồng ghép các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người nghèo có kiến thức chăm sóc mô hình phát huy hiệu quả. Từ đó, không chỉ trao “con cá” mà còn hỗ trợ người dân vùng khó khăn chiếc "cần câu” để người dân thoát nghèo bền vững.
Hồng Hương