Xã Chiến Phố vốn có những đồi mận máu (quả thịt dày, màu đỏ, giòn ngọt) lâu năm. Thông thường, người dân sẽ thu hoạch mận chín sớm, xong đến mận tam hoa, rồi mới đến mận máu. Hiện, mùa mận tam hoa ở Chiến Phố đã gần hết, các thành viên HTX Chiến Phố cũng đang chuẩn bị thu hoạch mận máu vào cuối tháng 6 để cung cấp ra thị trường.
"Trẻ hóa" vườn mận
Trước đây, mận máu được trồng xen kẽ với các loại cây trồng nên khó chăm sóc, thu hoạch. Mận được trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn và bán trong các phiên chợ của bà con. Hiện nay, mận máu được nhiều người sành ăn chờ đợi và săn lùng vì hiếm nơi có thể trồng. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và chưa đưa cây mận máu trở thành cây chủ lực góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Giải quyết vấn đề này, HTX Chiến Phố đã cùng địa phương hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây mận máu.
Vì mận máu chủ yếu trồng trên đất dốc và xen kẽ với một số cây trồng khác nên HTX chú trọng cải tạo những cây cũ bằng cách đốn bớt cành già cỗi để tạo ra cành mới có sức sinh trưởng khỏe hơn. Việc bón phân cũng được quan tâm nhằm cung cấp thêm chất dinh dưỡng và độ tơi xốp cho đất.
Song song với cải tạo những cây lâu năm, HTX còn xây dựng vườn ươm giống để phục vụ mở rộng diện tích mận theo hướng tập trung. Điều này cũng rất thuận lợi vì người dân có thể tạo hình, tạo tán cho vườn mận một cách bài bản ngay từ đầu.
Mận là cây phải trồng 2 - 3 năm mới cho quả sai, vì vậy nông dân thường có tâm lý không muốn chặt bỏ để trồng mới vườn mận già cỗi vì sợ mất nguồn thu nhập thường xuyên. Để giải quyết bài toán này, HTX và các cấp ngành đã lựa chọn phương án trồng xen cây mận mới ngay trong diện tích mận đã già.
![]() |
Lưới che giúp bảo vệ cây mận dưới tác động của thời tiết. |
Theo đó, đối với những cây mận già bảo đảm có khoảng cách từ 6m trở lên, HTX trồng xen mới một cây mận con vào giữa. Hàng năm, người dân sẽ đốn tỉa dần cây mận già để mận con phát triển. Khi mận trồng mới đã khép tán tương đối, bắt đầu cho quả đáng kể thì có thể phá bỏ hoàn toàn những cây mận già trên 30 năm để tập trung chăm sóc cho cây mận non. Đây là phương án vừa có thể đảm bảo thu nhập cho bà con, vừa có thể cải tạo trồng mới được vườn mận.
Chiến Phố là địa phương hay bị ảnh hưởng bởi những trận mưa đá trong những năm gần đây. Nhiều vườn mận đã bị mất trắng bởi mưa đá khi sắp đến mùa thu hoạch. Để giải quyết vấn đề này, HTX hướng dẫn người dân lắp đặt lưới che phủ để bảo vệ cây mận.
Hệ thống lưới phát huy tác dụng tốt khi không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và ra hoa, kết trái của cây mận. Nếu xảy ra mưa đá, gió lốc, hệ thống lưới sẽ bảo vệ cho quả trên cây không bị tác động và rụng, đồng thời phòng ngừa được các loại sâu, bướm có hại cho cây, trái.
Theo ban giám đốc HTX, trước đây người dân vẫn chủ yếu trồng theo tập quán truyền thống nên tỷ lệ sống của cây không cao, trồng không đúng mật độ, đốn tỉa, tạo tán không đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp. Nhằm khắc phục tình trạng này, HTX đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cho cây theo đúng quy trình kỹ thuật…
Các giải pháp này đều nhằm mục đích hướng đến phát triển cây mận máu thành sản phẩm hàng hóa của địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất tự nhiên, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân.
Nâng giá trị cây đặc sản
Theo tính toán, từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo và trồng mới, cây mận máu cho quả đều không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và ít bị sâu bệnh, nhờ đó diện tích đã được nâng lên.
Hiện, toàn xã có 43 ha mận máu, trong đó có 12 ha đang cho thu hoạch. Vào vụ, HTX đứng ra thu mua, bao tiêu đầu ra cho người dân với giá từ 30 - 60 nghìn đồng/k. Bình quân 1ha mận máu cho thu nhập từ 150-300 triệu đồng/vụ. Đây là nguồn thu khá đối với người dân ở địa phương.
Không chỉ thu mua, xuất bán mận tươi, HTX Chiến Phố còn thực hiện phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói mận để đưa ra thị trường.
![]() |
Người dân đem mận máu đến chỗ tập kết để HTX Chiến Phố thu mua. |
Mận được người lao động của HTX chọn lọc kỹ càng, phân chia theo 3 loại: Quả đạt loại A để đóng hộp đưa ra thị trường, loại B bán tại chỗ và các chợ phiên, loại C quả dập nát được ướp ngâm chế biến rượu, mận sấy khô, siro mận…
Để đảm bảo mận được tươi, HTX còn đầu tư kho lạnh bảo quản trong điều kiện tốt nhất trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Mận đem bảo quản phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, quả không bị sây sát, giập nát, sâu hoặc có triệu chứng nhiễm vi sinh vật và côn trùng. Đặc biệt, mận vẫn giữ được lớp phấn trên bề mặt quả khi thu hái vận chuyển và xử lý thì chất lượng bảo quản càng tốt.
Nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX hướng dẫn người dân trong quá trình thu hái không được dùng sọt hay rổ có các cạnh gờ sắc để tránh làm bầm, giập mận.
Có thể thấy, việc áp dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn và phát triển cây mận máu của HTX Chiến Phố đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Chiến Phố đạt 22,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 38%, bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc.
Tùng Lâm