Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tỉnh Trà Vinh được đánh giá thành công nhất về giảm phát thải, đặc biệt là HTX nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) và HTX nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành).
Nông dân sống khoẻ, thu nhập tốt hơn
Tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai 2 mô hình thí điểm tại Trà Vinh là HTX nông nghiệp Phát Tài và HTX nông nghiệp Phước Hảo, với diện tích tham gia 50 ha mỗi HTX để nhân rộng ở ĐBSCL.
HTX nông nghiệp Phát Tài hiện có 94 thành viên, với tổng diện tích canh tác 150 ha. Tham gia thí điểm đề án 1 triệu ha, HTX có 48 thành viên tham gia, với tổng diện tích 48,4 ha.
![]() |
Mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai tại HTX nông nghiệp Phát Tài |
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài cho biết, trước khi thực hiện mô hình các thành viên HTX được Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trường Chính sách công và Phát triển nông nghiệp tập huấn hướng dẫn ngay từ đầu vụ về quy trình quản lý rơm rạ, quy trình canh tác lúa bền vững để giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc BVTV và giảm lượng nước tưới so với canh tác truyền thống... góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.
Khi tham gia mô hình thí điểm, các thành viên HTX đều sử dụng lúa cấp xác nhận trở lên, sử dụng lượng giống từ 70-80 kg/ha. Trong quá trình sản xuất, áp dụng tốt quy trình ngập khô xen kẽ (hiện đất canh tác của hợp tác xã đều nằm trong đê bao tập trung, có cống điều tiết nước nên quy trình ngập khô xen kẽ dễ thực hiện), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn (đa số sử dụng phân bón hữu cơ). Đặc biệt, khi thu hoạch, 100% lượng rơm trên đồng đều được đưa ra khỏi ruộng dùng làm thức ăn cho gia súc
Ngoài ra, HTX ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ đầu ra nên chi phí đã giảm theo quy trình, nay càng giảm thêm và người dân rất yên tâm sản xuất. Lợi nhuận của mô hình đạt từ 31-50 triệu đồng/ha/vụ, tăng thêm từ 16-20% so với ngoài mô hình (tương đương tăng 5,1-7,6 triệu đồng/ha/vụ). Do hiệu quả mang lại như trên, trong năm 2025 này, theo ông Chung, HTX sẽ mở rộng diện tích mô hình lên 100ha.
Ông Chung nhấn mạnh, với cách làm trên, người dân luôn có thu nhập bền vững bởi chi phí giảm đáng kể, qua đó yên tâm sản xuất, góp phần tăng giá trị cho hạt gạo Việt. Hiện nay các thành viên của HTX có nguồn thu nhập ổn định và không còn hộ nghèo.
Sau nhiều năm gắn bó và làm việc tại HTX nông nghiệp Phát Tài, anh Võ Minh Liệt (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết, sự phát triển của HTX đã mang lại một công việc ổn định và thường xuyên hơn. “Trước đây chưa là thành viên của HTX thì mỗi vụ mùa cắt được khoảng 400 - 500 công đất (1 công = 1.000m2). Nhưng hiện nay con số này đã tăng lên gấp 2 - 3 lần. Từ khoảng lợi nhuận có được, chúng tôi đã đầu tư những dòng máy gặt đập liên hợp chất lượng cao, hiệu suất tăng lên gấp 1,5 lần so với các máy trước đây", anh Liệt cho biết.
Nhờ công việc ổn định, thu nhập gia đình anh Liệt tăng cao, giúp cải thiện đời sống và mang lại sự an tâm, không lo lắng về thất nghiệp.
Giảm thiểu lao động nông thôn thất nghiệp
Cũng giống như HTX Nông nghiệp nông nghiệp Phát Tài, HTX nông nghiệp Phước Hảo cũng là 1 trong 2 điển hình tiêu biểu ở Trà Vinh và luôn đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành.
Đại diện HTX cho biết khi tham gia vào mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2 - 24,2% nhờ giảm 30 - 50% lượng giống, tiết kiệm 30 - 70kg phân bón/ha, giảm 01 - 04 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30 - 40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4 - 7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12 - 50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
![]() |
HTX nông nghiệp Phước Hảo sản xuất lúa chất lượng cao giúp hàng chục lao động địa phương có công việc ổn định. |
Mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 02 - 12 tấn CO₂. Toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 - 300 đồng/kg lúa, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.
Từ ngày HTX sản xuất lúa chất lượng cao đến nay, lực lượng lao động địa phương có công việc ổn định lên đến 60 thành viên. Việc thu hút được nhiều lao động tham gia HTX là một dấu hiệu rõ ràng của sự phát triển bền vững. Những người lao động không chỉ có việc làm ổn định mà còn có thu nhập cao, giúp địa phương giảm lao động thất nghiệp.
Một thành viên HTX nông nghiệp Phước Hảo, chia sẻ: Trước đây người làm công thời vụ chỉ kiếm được mức lương rất thấp, thậm chí là “rẻ mạt” chưa đến 200 ngàn đồng/ngày. Nhưng từ khi tham gia vào HTX, mức thu nhập của họ đã có sự cải thiện đáng kể, giúp họ nâng cao chất lượng đời sống. Theo thành viên này, hiện nay người lao động tham gia HTX có thể được trả công 300.000 - 400.000 đồng mỗi ngày tùy vào công việc.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 2 mô hình của 2 HTX trên đã giúp giảm từ 20-30% lượng phát thải khí nhà kính so với ngoài mô hình. Đây được xem là kết quả vượt trội so với các tỉnh, thành cùng tham gia thí điểm đề án.
Ngoài ra, 2 mô hình này chính là minh chứng thiết thực cho các HTX trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Qua đó, góp phần xoá đói giảm nghèo cho địa phương.
Năm 2025 không còn hộ nghèo
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Châu Thành đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo.
Kết quả năm 2024, đã giảm 53 hộ nghèo, hiện nay còn 57 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19%, hộ cận nghèo giảm 145 hộ, hiện nay còn 386 hộ, chiếm tỷ lệ 1,26%. Mục tiêu của huyện đến hết năm 2025 xóa hết hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Huyện Châu Thành đánh giá việc triển khai sản xuất các mô hình nông nghiệp bền vững mà “nòng cốt” là các HTX, THT đã góp phần giảm nghèo tại huyện. Bên cạnh đó, HTX, THT còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình cánh đồng lớn, giúp sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và đồng đều, qua đó cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhờ tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất và nước, giúp tăng trưởng kinh tế địa phương.
Do đó, huyện có các chính sách nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, HTX và THT. Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh nhận định, 2 HTX thực hiện thí điểm Đề án đã tham gia rất tích cực, góp phần tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cho các HTX và nông dân trên địa bàn tỉnh. Đến vụ Đông Xuân 2024 – 2025, tỉnh Trà Vinh đã nhân rộng thêm 14 HTX tham gia Đề án với diện tích gần 800 ha. Chưa dừng lại ở đó, tính đến thời điểm hiện tại vụ Hè Thu năm 2025 có 38 xã đăng ký với quy mô hơn 4.700 ha.
Hoàng Hà