HTX được thành lập tháng 4/2018 với 30 thành viên, ngành nghề kinh doanh chính là gieo ươm cây giống chất lượng cao thân thiện môi trường, trồng và chăm sóc rừng, chế biến và mua bán gỗ rừng. Vì lợi ích của thành viên và tạo niềm tin, HĐQT và Ban giám đốc HTX cam kết năm đầu làm việc không hưởng thù lao và lương để tạo niềm tin cho thành viên.
Chuỗi giá trị rừng gỗ lớn
Là đơn vị hoạt động theo chuỗi giá trị rừng gỗ lớn, trên nguyên tắc quản lý bền vững có chứng chỉ rừng (FSC), HTX đã trồng được 804ha rừng, trong đó 540ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, HTX xây dựng vườn ươm cây giống keo thân thiện môi trường với túi bầu hữu cơ tự hủy, quy mô khoảng 1 triệu cây/năm. HTX cũng đã đầu tư dây chuyền thiết bị bóc ván để bao tiêu sản phẩm gỗ của thành viên với kinh phí 1,2 tỷ đồng.
![]() |
HTX có 540ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC |
Trong chuỗi giá trị của HTX, Công ty TNHH một thành viên Vũ Minh là doanh nghiệp thành viên đứng ra lo đầu vào (cây giống thân thiện môi trường, không sử dụng túi bầu nilon), Công ty Scancia Pacipic là đối tác lo đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho HTX.
Nhằm phát triển rừng bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX hướng dẫn quy trình trồng, chắm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC. Theo đó, các thành viên đẩy mạnh công tác tỉa thưa chuyển đổi từ rừng trồng gỗ dăm sang gỗ lớn và cam kết rừng trồng ít nhất 7 năm tuổi mới khai thác. Nhờ vậy, rừng cho sản lượng 200m3/ha, có giá trị 250-300 triệu đồng/ha, đặc biệt có lô rừng đạt giá trị đến 380 triệu đồng/ha.
Ông Hồ Đa Thê – Chủ tịch HĐQT HTX cho biết trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC chỉ kéo dài thời gian thêm 2 năm nhưng lợi nhuận cao hơn từ 150-200 triệu đồng/ha so với trồng rừng gỗ nhỏ. Bình quân lợi nhuận từ trồng rừng gỗ lớn đạt từ 230-280 triệu đồng/ha.
Ông Thê cũng là người thường xuyên đứng ra vận động giúp đỡ các hộ dân nghèo trong xã và các địa phương lân cận phát triển kinh tế từ rừng. Mô hình của HTX hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian tới, khi HTX đưa vào sử dụng nhà máy cưa xẻ, sơ chế gỗ nguyên liệu, số lao động được giải quyết việc làm thường xuyên dự kiến sẽ tăng lên khoảng hơn 100 người. Nhờ đó, nhiều hộ dân ở địa phương đã thoát nghèo và trở nên giàu có.
Tháo gỡ vướng mắc
Tuy nhiên, có một thực trạng mà không chỉ HTX Hòa Lộc mà các HTX lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh gặp phải là do mới thành lập chưa lâu nên quá trình quản lý vận hành còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn chính là thiếu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh như mặt bằng sản xuất, chế biến sản phẩm; trụ sở làm việc chưa đáp ứng nhu cầu; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh doanh.
![]() |
Bình quân lợi nhuận từ trồng rừng gỗ lớn đạt 230 - 280 triệu đồng/ha |
Vì vậy, HTX mong muốn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ tạo động lực thúc đẩy các HTX lâm nghiệp bền vững phát triển, tạo động lực trong phát triển kinh tế chung. Đồng thời cam kết nỗ lực, sáng tạo trong cách làm để các HTX lâm nghiệp bền vững đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Về vướng mắc này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, khởi đầu lúc nào cũng sẽ có những khó khăn; quan trọng là giải pháp để vượt qua những khó khăn đó và duy trì phát triển bền vững.
Ông Phương cũng đề nghị Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ, hướng dẫn cho các HTX về các thủ tục, chính sách để các HTX nắm rõ các quy trình, thủ tục cũng như những hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình hoạt động, phát triển. Trước mắt, chính quyền địa phương phải quan tâm tạo điều kiện cho các HTX trụ sở làm việc ổn định, giúp các HTX ổn định sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, lãnh đạo HTX phải nỗ lực, cống hiến hết mình, vì lợi ích của các thành viên. HTX phải phát huy tinh thần dân chủ, công khai dựa trên sự đồng lòng, đoàn kết của một tập thể cùng hướng đến mục tiêu chung.
Hà Xuyên