HTX được thành lập vào tháng 7/2019 gồm những nông dân canh tác lâu năm và có nhu cầu liên kết lại trong sản xuất để cùng chia sẻ kinh nghiệm canh tác, chăm sóc cây trồng, tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái. Tổng diện tích đất canh tác của HTX là 103 ha, trong đó có 60 ha trồng các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ sáp, bưởi da xanh…
Mạnh dạn chuyển đổi
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc HTX cho biết trước đây, người dân sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chưa quy hoạch theo từng vùng. Giá các loại sản phẩm truyền thống như tiêu, cao su, cà phê xuống quá thấp nên bà con cùng tập trung sản xuất tập thể trồng cây ăn trái. Khi làm cây ăn trái, HTX đặt ra khẩu hiệu “Chất lượng chúng tôi, sức khỏe của người tiêu dùng” nên phải làm theo hướng sản phẩm sạch, đạt chất lượng VietGAP để vươn đến xuất khẩu.
![]() |
Bưởi da xanh sản xuất theo hướng VietGAP sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh |
Vì lẽ đó mà đang sở hữu hơn 2 ha tiêu và cà phê, anh Trần A Lộc, thành viên HTX nhận thấy giá trị kinh tế của cây sầu riêng nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng loại cây này. Tham gia HTX, anh được học tập, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên khác về trồng và chăm sóc sầu riêng. Từ những kiến thức này, anh quyết định chuyển đổi cách chăm sóc theo quy trình VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu.
Anh Lộc cho biết từ khi chuyển sang sản xuất sạch, đất được cải tạo, cây sinh trưởng tốt, bảo vệ được môi trường, bảo vệ sức khỏe. Cái được trong việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP là ứng dụng quy trình sản xuất sạch, sản phẩm bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, an toàn khi cung cấp đến tay người tiêu dùng”.
Cũng mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trái cây theo hướng an toàn, một thành viên khác của HTX là anh Trần A Lửng có 6 công bưởi da xanh trồng từ năm 2017, đến thời điểm này đã bắt đầu cho trái. Không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, anh Lửng sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học trong chăm sóc vườn cây. Để giúp vườn cây giữ được độ ẩm và vi sinh vật có lợi, anh để cỏ phát triển tự nhiên. Đến thời điểm nhất định, anh sử dụng máy phát cỏ để dọn dẹp, vừa làm phân bón, tạo độ mùn, tơi xốp cho đất.
![]() |
HTX đang phát triển mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng VietGAP |
Anh cho biết: Chi phí sản xuất khi sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ không cao hơn so với sử dụng thuốc hóa học, nhưng sản phẩm ra tiêu thụ thị trường sẽ bảo đảm an toàn với người tiêu dùng. Cây bưởi sinh trưởng tốt, ít bệnh tật hơn, nhưng cái lợi nhất là bảo vệ được môi trường, bảo vệ sức khỏe.
Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm
Với quy trình sản xuất an toàn, thu nhập của thành viên HTX thấp nhất cũng đạt 150 triệu đồng/năm. Từ 22 thành viên ban đầu, đến nay HTX phát triển lên 30 thành viên. Hiện nay, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP và đang xúc tiến quy trình truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây ăn trái.
Để canh tác lâu dài theo hướng sản xuất bền vững, HTX tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, phấn đấu từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Được biết, xã Phước Tân hiện có tổng diện tích cây ăn trái hơn 100 ha. Nhìn từ mô hình của HTX Nông Thành Phát, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ cho nhiều HTX khác được thành lập, giúp người dân làm giàu theo một hướng chung là sản xuất sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã thành lập được 3 HTX với trình độ sản xuất tiên tiến, có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường.
Thu Huyền