Đó là nhận định của ông Takao Wantanabe - Đại diện Hiệp hội dệt may tơ lụa Nishijin Kyoto Nhật Bản với mong muốn nâng ngành tơ lụa Việt Nam trở thành niềm tự hào dân tộc trong bối cảnh ngành này ngày càng phát triển mạnh mẽ với sự cải tiến không ngừng từ phương thức sản xuất đến ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Kinh nghiệm thực tiễn
Trước đây, trồng dâu nuôi tằm chủ yếu theo kinh nghiệm nhưng ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nên việc trồng dâu, nuôi tằm, bắt kén phải đưa các phương tiện kỹ thuật vào nhằm bảo vệ môi trường, giảm công lao động và nâng cao hiệu quả nuôi tằm. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết biến động, nhiệt độ cao như hiện nay thì nhà tằm con phải có máy điều hòa và tất cả hộ chăn nuôi tằm phải lắp điều hòa để điều khiển nhiệt độ, bởi tằm cần 24 - 25 độ C mới phát triển tốt.
![]() |
Trồng dâu nuôi tằm phải áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ để giúp chất lượng lá dâu tốt |
Từ năm 2018 - 2019, HTX Nông nghiệp Điện Quang đã trồng được 5ha dâu và vận động được 12 hộ nuôi tằm. HTX đang trồng tiếp 10ha dâu nữa, phấn đấu đến hết năm 2020 có 15ha dâu với 60 hộ tham gia nuôi tằm. Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc HTX cho biết trước đây, HTX vận động nông dân trồng tới 340ha dâu với hơn 1.200 hộ nuôi tằm, hàng năm sản xuất khoảng 270 - 290 tấn kén. Từ năm 1990, HTX đã liên kết với Công ty Dâu tằm tơ lụa Quảng Nam (cũ) xây dựng nhà máy công suất 20 tấn tơ/năm để xuất khẩu, nhưng do sự biến động thị trường nên người dân bỏ nghề nhiều.
Vì thế, ông Thành cho rằng trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm phải áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ từ chọn giống đến kỹ thuật chăm sóc, như hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh nhằm giúp chất lượng lá dâu tốt. Trứng giống cũng phải chọn tốt, phải cải tiến công cụ sản xuất hiện đại kể cả cái, né cái đuỗi cũng phải làm hiện đại để giảm công lao động thủ công, nâng cao chất lượng hiệu quả.
Tại Nhật Bản, Hiệp hội Tơ lụa nước này đã thống nhất các doanh nghiệp cùng đầu tư cho một dòng tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng, sản xuất đại trà. Các viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác bảo đảm không gây ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất.
Mục đích của Hiệp hội là làm cho khách hàng biết đây là dòng sản phẩm của Nhật Bản, dành cho người tiêu dùng Nhật Bản. Tại những hội chợ, triển lãm thương mại…, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng giới thiệu tỉ mỉ quy trình sản xuất để người tiêu dùng biết tơ lụa của họ là do các tập đoàn sản xuất liên kết với các trang trại trong nước quản lý sản xuất và đạt về chất lượng, quy trình hoàn toàn thiên nhiên và bảo vệ môi trường chặt chẽ.
Giải pháp phát triển bền vững
Thực tế, người tiêu dùng Nhật Bản đã tiếp nhận dòng sản phẩm tơ lụa nội địa rất tốt. Thậm chí, nhiều người Nhật đã coi tơ lụa Nhật Bản như một thương hiệu mang tầm quốc gia, được dùng trong những dịp trọng đại của quốc gia, quốc tế và mỗi gia đình.
![]() |
Ngành tơ lụa đang ngày càng cải tiến về quy trình sản xuất và kết nối thị trường |
Cách làm này hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam để xây dựng lại chuỗi giá trị cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Theo Ts. Lê Quang Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích dâu tằm của cả nước lên 15 vạn ha, giá trị xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD/năm đòi hỏi ngành sản xuất dâu tằm tơ phải ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
Đây là điều hết sức quan trọng nhưng muốn phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng dâu nuôi tằm thì cần tiến hành đồng thời các giải pháp về tổ chức sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, các giải pháp về chính sách và thị trường.
Khi tổ chức sản xuất cần phải xây dựng vùng nguyên liệu, lấy nông dân là lực lượng nòng cốt. Cùng với đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng lá dâu.
Các địa phương cần vận động tổ chức nuôi tằm con tập trung, trong đó doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX có vai trò đứng ra kêu gọi người dân. Doanh nghiệp lo đầu ra như tổ chức thu mua kén và ươm tơ, vì thế cần có chế độ chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhất là xây dựng vùng nguyên liệu mới. Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng nhà nuôi tằm con tập trung, nhà nuôi tằm lớn, khay nuôi tằm, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy ươm tơ tự động tại địa phương.
Thu Huyền