Đầu năm 2017, được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tư vấn hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, mua sắm máy móc, anh Lê Văn Tiên, cùng hai hộ trồng rau nhỏ lẻ ở xã Gia Phương (Gia Viễn) đã thành lập THT sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng trên diện tích 3.600m2.
Tạo tiền đề cho sự liên kết
Anh Lê Văn Tiên - Tổ trưởng THT liên kết sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng, cho biết: THT có 3 thành viên, là các hộ trồng rau quy mô lớn và nhiều kinh nghiệm trên địa bàn xã. Với việc thành lập THT sản xuất, chúng tôi có điều kiện được hỗ trợ và đầu tư mua máy làm đất đa năng, máy ép cám viên, máy trộn bê tông, máy băm nghiền đa năng phục vụ mô hình sản xuất nông sản an toàn.
Đặc biệt, với việc thành lập THT, Chi cục PTNT đã hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt cho các tổ viên trồng rau, củ, quả an toàn. Hệ thống tưới này không những nhanh, tiết kiệm, mà còn bảo đảm được việc cung cấp nước, dinh dưỡng một cách đầy đủ cho cây trồng phát triển.
THT đã đưa vào trồng các loại rau củ như dưa chuột thái, dưa Hàn Quốc cấy trên gốc bí đỏ trong nhà lưới và tưới bằng hệ thống nhỏ giọt theo đúng quy trình sản xuất VietGAP. Các loại cây trồng được kiểm tra, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, từ đó các thành viên trong THT yên tâm sản xuất, không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo đầu ra ổn định, giá thành cao.
Theo anh Tiên, việc thành lập THT đã tạo tiền đề cho sự liên kết giữa các hộ dân với nhau. Thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì sự liên kết đã tạo ra một đầu mối chung, qua đó THT nâng cao được tiềm lực kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, dễ dàng hơn trong triển khai chính sách hỗ trợ, tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
![]() |
Mô hình nuôi tôm ở Kim Sơn - Ninh Bình |
Tiếp tục hỗ trợ, đầu tư
Theo Chi cục PTNT tỉnh, năm 2017, Chi cục đã hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh xây dựng được 15 mô hình tổ, nhóm hợp tác, HTX liên kết sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ cao, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Đồng thời, mở các lớp tập huấn tại các huyện, thành phố và tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để người dân học hỏi kinh nghiệm về áp dụng thực tế tại địa phương.
Với việc liên kết hình thành các tổ, nhóm hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện cho người dân thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang phương thức sản xuất mới; huy động thêm tiềm lực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc, nhà xưởng; tích cực học hỏi, ứng dụng KH-KT vào sản xuất; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
Cùng với đó, các THT, HTX liên kết sản xuất còn tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm; cung ứng ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cho các tổ, nhóm liên kết sản xuất đa dạng hóa các cây, con phù hợp với đặc điểm từng địa phương; xây dựng cơ chế khuyến khích thành lập các THT, HTX, mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; hướng đến kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị đạt được trên diện tích canh tác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Hạnh Chi