Từ nay đến năm 2020, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng số lượng HTX toàn tỉnh lên 542 HTX, đồng nghĩa mỗi năm sẽ có 50 HTX mới được thành lập; hình thành liên hiệp HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012; giá trị sản xuất trong khu vực HTX tăng 5 - 6%/năm; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo trình độ đại học đạt khoảng 20% và trình độ trung cấp đạt khoảng 70%.
Liên kết tạo chuỗi giá trị
Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đang trở thành một thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh. Năm 2018, OCOP tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, hướng trọng tâm vào tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm.
Đóng vai trò đòn bẩy cho OCOP, các HTX trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh liên kết theo quy trình sản xuất - chế biến - xây dựng nhãn hiệu - tiêu thụ hàng hóa nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững, nâng cao lợi ích cho thành viên, người lao động.
Điển hình có HTX Sản xuất và Dịch vụ công nghiệp Phú Hải (phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) chuyên sản xuất hương xuất khẩu, với liên kết chặt chẽ chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến đầu ra.
Về sản xuất, nguồn nguyên liệu được HTX thu mua trực tiếp tại địa phương. Thành viên HTX làm chủ được KH-KT, thiết bị máy móc và các công đoạn sản xuất.
Về đầu ra, HTX chủ động tìm kiếm và ký các hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, bạn hàng uy tín và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.
Ông Vũ Đức Phú - Giám đốc HTX Phú Hải, chia sẻ: “Liên kết chuỗi giá trị là xu thế tất yếu, đòi hỏi các HTX cần đẩy mạnh. Không chỉ liên kết trong tỉnh, các HTX tại Quảng Ninh đang mở rộng liên kết với các HTX trong vùng và cả nước”.
![]() |
[Caption]HTX Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoa Phong là một trong những HTX tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh |
Chuyên nghiệp và hiệu quả
Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh hiện có 463 HTX, 131 THT. Các HTX đang thực hiện tốt vai trò hỗ trợ thành viên, người lao động khi gặp khó khăn, đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, nhất là khu vực nông nghiệp - nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với quá trình hiện đại hóa, nâng cao năng suất, gia tăng lợi ích cho thành viên, người lao động, công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cũng đang được các HTX trên địa bàn tỉnh chú trọng.
HTX Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoa Phong (xã Hồng Phong, huyện Đông Triều) là một trong những HTX tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh. Với doanh thu 40 tỷ đồng/năm, HTX không chỉ tạo việc làm cho hàng trăm lao động, mà còn là “lá cờ đầu” trong công tác bảo đảm ATLĐ tại địa phương.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, HTX đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa với hệ thống nhà xưởng và máy xay xát hiện đại. Để vận hành hiệu quả và an toàn, HTX thuê chuyên gia tập huấn nghiệp vụ, trình độ chuyên môn về vận hành máy móc, các nguyên tắc bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc, cách xử lý tình huống, giảm tối đa nguy cơ gây mất ATLĐ.
HTX Nông trang Vạn Yên (huyện Vân Đồn) với 22 thành viên, có diện tích gần 50 ha cam, sản lượng trung bình đạt 100 tấn/quả/ năm, doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Để làm ra các sản phẩm sạch, phát triển bền vững, HTX áp dụng phương thức sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa đem lại năng suất cao, vừa bảo đảm sức khỏe cho thành viên, người lao động.
Hưng Nguyên