Thăm vườn cam của gia đình anh Trương Xuân Dương ở xóm Sướn, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khi quả cam đang bắt đầu “chuyển màu”, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi cây cam được phủ màn kín từ gốc đến ngọn.
Cả một đồi cam bạt ngàn được anh Dương “nuôi” trong những chiếc màn trắng, mà nhìn từ xa trông giống như những cây nấm khổng lồ.
Chuyện lạ nhà anh Dương
Nhớ lại các vụ cam trước, gia đình anh không khỏi ngán ngẩm khi đã dùng rất nhiều cách nhưng cam vẫn bị rụng nhiều quả do sâu bọ phá hoại. Đặc biệt, khi cam ngả màu, có mùi thơm và vị ngọt thì sâu bọ kéo đến càng đông, khiến anh càng thêm vất vả để giữ cam.
Anh Dương cho biết phương pháp truyền thống để bảo vệ quả cam là phun thuốc bảo vệ thực vật, chong đèn bắt sâu ban đêm, bọc túi ni lon… mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của, nhưng cam vẫn bị sâu bọ phá hoại dẫn đến vàng quả rồi rụng nhiều. Nếu không rụng, quả cam cũng còi cọc, có mẫu mã xấu.
Cách đây hơn một năm, qua tìm hiểu từ các mô hình, anh Dương đã mạnh dạn vay mượn tiền rồi mua những tấm màn lớn về phủ kín cây cam từ gốc đến ngọn.
“Ai cũng cho là chuyện lạ, nhiều người bàn tán việc phủ màn sẽ gây bí dẫn tới cây cam khó phát triển khiến tôi càng lo. Lỡ cam bị rụng hết thì công cốc”, anh Dương kể.
Nghĩ vậy, anh Dương đã cho phủ màn một tỷ lệ nhỏ để so sánh và rút kinh nghiệm. Không ngờ cam cho hiệu quả rất tốt: Quả ít rụng, chất lượng đồng đều, màu quả sáng bóng ít bị nám và gần như không có cam “ngơ” - loại cam bị hư hỏng do thời tiết, sâu bệnh gây hại.
Theo anh Dương, thường thì nông dân chỉ “nuôi” cam trong màn khi quả đã chuẩn bị chín. Nhưng nếu khi cây đã bắt đầu có quả nhỏ, được che chắn, bảo vệ kỹ thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. Hiện tại, 3 ha cam của gia đình đã được anh nuôi trong màn và đang chuẩn bị cho thu hoạch.
![]() |
Kiểm tra cam quả nuôi trong màn |
Huyện chỉ đạo nhân rộng
Việc nuôi cam trong màn đã tránh bị sâu bọ chích, hút; giúp cho quả không bị cháy sém ảnh hưởng đến mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, phương pháp này giúp người trồng cam không phải phun hóa chất bảo vệ thực vật, tránh ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.
Học theo anh Dương, nhiều hộ dân ở huyện Thanh Chương cũng đã đầu tư để “nuôi” cam trong màn. Cam không phải là cây dễ tính, đặc biệt khi đã bắt đầu cho quả, nếu không chăm sóc, bảo vệ tốt thì quả dễ rụng hoặc bị còi cọc.
Việc bảo vệ quả cam từ lúc kết quả đến khi thu hoạch là cả một quá trình gian nan, vất vả nhưng nhờ thay đổi cách nghĩ cách làm, nông dân tại huyện Thanh Chương đã có cách làm sáng tạo để vừa bảo vệ cam vừa hạn chế việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.
Người trồng cam cho rằng: “Nuôi” cam trong màn là một hình thức tương tự như trồng cây trong nhà lưới. Tuy nhiên, do diện tích cam lớn, ở địa hình đồi núi rất khó để xây dựng nhà lưới nên việc phủ màn cho cam là một giải pháp rất phù hợp.
Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương, khẳng định: “Việc phủ màn cho cây cam là một giải pháp mới được áp dụng, nó mang lại hiệu quả cao, nên dù có tốn kém, người dân vẫn thi nhau thực hiện. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các xã nằm trong vùng trồng cam, bưởi học tập và nhân rộng. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cấp trên có thêm chính sách hỗ trợ để các hộ trồng cam sử dụng phương pháp này nhằm nâng cao năng suất, tránh việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”.
Thanh Nguyễn