HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ cây ăn quả Xuân Hợp thành lập tháng 8/2014. Nằm ở vùng miền núi phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, do đặc điểm thổ nhưỡng, nơi đây có điều kiện phát triển trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: Chè, cao su, cà phê, mía... cây ăn quả như: Cam, vải, nhãn...
Khó phát triển thương hiệu
Quỳ Hợp có diện tích trồng cam rộng lớn với các giống cam như V2, Xã Đoài, Valencia, Vân Du… đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập lớn cho các hộ nông dân trên địa bàn.
Những năm qua, diện tích trồng cam trên địa bàn huyện được mở rộng thay thế những cây trồng hiệu quả kinh tế thấp. Sản lượng cam không những đủ cung cấp cho huyện mà còn phân phối rộng rãi ra toàn tỉnh Nghệ An và một số tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, trồng cam ở Quỳ Hợp cũng gặp phải một số khó khăn do thiên tai, sâu bệnh hại... Ngoài ra, do việc quảng bá sản phẩm cam chưa tìm được lối đi đúng hướng, nên nguồn tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái.
Việc bị đẩy giá lên quá cao làm cho sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm cam khác như cam Canh, cam Bù, cam Cao Phong… và chưa được phân phối rộng rãi. Tiêu thụ cam bị bó hẹp trong một phạm vi nhất định.
Mặt khác, hiện nay các sản phẩm cam sau khi thu hái chưa được bảo quản mà vận chuyển thẳng đi tiêu thụ, điều này đã làm ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng sản phẩm.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (COSTE) - Liên minh HTX Việt Nam, mô hình ứng dụng KH-KT vào chế biến trái cây, hoa quả tại HTX Xuân Hợp được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong việc phát triển hoạt động thu mua, bảo quản và chế biến các sản phẩm trái cây.
Chia sẻ về quá trình triển khai mô hình vào hoạt động kinh doanh, sản xuất của HTX, Ts. Nguyễn Thị Hòa - Trung tâm COSTE, cho biết trái cây khi đạt độ chín sinh lý sẽ được thu hoạch vào buổi sáng và buổi chiều, tránh ngày mưa gió để hạn chế va chạm làm trầy xước lớp vỏ quả.
![]() |
Cam Vinh - đặc sản của Nghệ An |
Không còn tình trạng ép giá
Người dân không thu hoạch quả vào giữa trưa nắng để tránh làm hại cây và tăng tỷ lệ hao hụt do hiện tượng bay hơi nước tự nhiên. Trái cây sau thu hoạch được đựng trong các sọt tre, thùng caton, không đổ thành đống lớn tránh sự hô hấp đột biến, làm tăng nhiệt trong khối trái cây.
Trái cây sau khi thu hoạch được tiến hành phân loại nhằm loại bỏ các quả bị hư hỏng do sâu hại, côn trùng, những quả bị dập nát... Ngoài ra, quá trình phân loại còn theo kích cỡ, độ chín để có sự phân phối, bảo quản cho phù hợp. Trái cây được đóng thùng, dán nhãn, sau đó đưa về kho bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
Hiện tại, HTX có khu vực chứa các loại quả trong quá trình bảo quản lạnh để xuất bán theo nhu cầu của khách hàng. Thông thường, trái cây không bảo quản được quá lâu.
Tùy theo từng loại trái cây, thời gian bảo quản chỉ được 10 - 60 ngày. Do vậy, HTX ưu tiên xuất bán ra thị trường càng sớm càng tốt. Trái cây chín được ưu tiên xuất trước.
Công nghệ bảo quản trái cây theo mô hình mới được đánh giá là kéo dài thời gian lưu trữ sản phẩm. Sản phẩm giữ được chất lượng, bảo đảm độ tươi ngon 30 - 90 ngày. Điều này giúp cho HTX không bị thương lái ép giá khi vào mùa vụ.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Ts. Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhận định phương pháp này giúp giảm thiểu lượng phế phẩm trái cây, hoa quả thải ra môi trường thông qua việc bảo quản các sản phẩm trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tạo thêm nguồn thu ổn định cho thành viên HTX và người lao động.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ và thiết bị còn nâng cao trình độ sản xuất, tổ chức quản lý của thành viên trong HTX. Đây là tiền đề để phổ biến, giới thiệu mô hình HTX bảo quản trái cây ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Hà Xuyên