Hiện nay, HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động có 26 thành viên, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc Mường, Dao trong địa bàn huyện Kim Bôi. HTX đăng ký hoạt động trên 16 ngành nghề, tuy nhiên chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây có múi.
Ra đời trên nhu cầu
HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động được thành lập từ năm 2016 dựa trên nhu cầu trực tiếp của các hộ thành viên trong việc tìm đầu ra sản phẩm cũng như các yêu cầu về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
HTX được thành lập với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, 147 ha trồng cây có múi và dự kiến mở rộng lên 250 ha vào năm 2020. Doanh thu năm 2017 của HTX đạt gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt trên 115 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả trên đạt được là do HTX đã định hướng được chiến lược hoạt động, xác định được ngành nghề mũi nhọn, trọng tâm cũng như xây dựng được bộ máy quản lý, điều hành HTX năng động, sáng tạo.
Hiện tại, bộ máy quản lý HTX bao gồm 5 người trong Hội đồng quản trị, gồm Giám đốc và 2 Phó Giám đốc, 1 thủ quỹ và 1 nhân viên phụ trách hạ tầng cùng 3 thành viên Ban Kiểm soát.
Kể từ khi thành lập, HTX đã xác định sản phẩm chủ lực là cây có múi, trong đó tập trung vào sản xuất các loại cam, bưởi, như cam CS1, cam đường Canh, cam V2, bưởi đỏ, bưởi da xanh…
Năm 2017, vườn cây của HTX cho sản lượng đạt trên 1.000 tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP.
Đến nay, HTX có khả năng cung cấp quả tươi trong 9 tháng (từ tháng 8 năm trước tới tháng 3 năm sau) với nhiều giống có thể xuất khẩu được, như cam Marrs, cam C36…
HTX cũng đã xây dựng vườn ươm và có đủ đội ngũ cán bộ, công nhân thành thạo kỹ thuật nhân giống với sản lượng hằng năm khoảng 5 vạn cây, bảo đảm chất lượng về giống, đủ nguồn cung cho HTX và cả người dân trong vùng.
![]() |
Sản phẩm chủ lực của HTX là cây có múi |
Còn nhiều lo âu
Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của HTX cũng thường xuyên trau dồi, cập nhật, trao đổi các kiến thức, kỹ thuật mới về trồng và chăm sóc cây cho thành viên HTX cũng như người dân có nhu cầu.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu cây có múi của HTX, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc của HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, đặt in bao bì, nhãn mác mang thương nhiệu HTX…
Đặc biệt, HTX đang xúc tiến trang bị tem thông minh cho các sản phẩm để dễ dàng kiểm tra và truy xuấy nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, HTX cũng đã bắt đầu thực hiện dự án đầu tư, sản xuất cây rau muống trên nền nước khoáng trên diện tích dự kiến 3ha, cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn rau muống/năm.
Theo ông Nguyễn Trung Huân - Giám đốc HTX, mới thành lập, tuy đã tạo dựng được thương hiệu, bước đầu có thành quả, song HTX vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết.
Đầu tiên, ông Huân cho biết HTX vẫn chưa có trụ sở làm việc riêng, chưa xây dựng được nhà kho, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Hiện, tất cả những việc trên đều làm ở nhà từng thành viên HTX.
Trước mắt, HTX mong muốn thuê một diện tích khoảng 2,5 - 3 ha để đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế, đóng gói sản phẩm và hệ thống kho bảo quản. Trong khi đó, HTX gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là nguồn vốn theo Quyết định 86 và Nghị định 55 của Chính phủ.
Hiện thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm của HTX vẫn chỉ ở các tỉnh lân cận và thị trường Hà Nội, chưa mở rộng được ra các vùng khác, đặc biệt là thị trường miền Trung.
Sản phẩm của HTX tuy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, song HTX mới chỉ đi gửi mẫu thăm dò các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, nên vẫn cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.
Việc dán tem thông minh sẽ tạo điều kiện cho khách hàng và nhà cung cấp có thể tương tác được với nhau thông qua những thông tin bên trong tem, nhưng công việc này cũng cần nguồn kinh phí không ít…
Hồng Nhung