Xã Yên Bài, huyện Ba Vì là một xã điển hình trong việc xây dựng mô hình chăn nuôi chất lượng cao, mang lại thu nhập cho người dân cũng như từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.
Hiệu quả từ chăn nuôi chất lượng cao
Với diện tích 3ha, trong đó hơn 2.000 m2 chuồng trại quy mô, bảo đảm cách xa khu dân cư với quy trình chăn nuôi khép kín, hệ thống máng ăn, nước uống, hệ thống thông gió tự động, đảm bảo vệ sinh cũng như hệ thống chất thải được đưa vào các hầm biogas xử lý.
Đây là mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của HTX Dịch vụ sinh thái Ba Vì, Hà Nội đã mang lại hiệu quả kinh tế. Mỗi một lứa lợn thịt xuất chuồng, HTX thu về khoảng 30 tỷ đồng.
![]() |
Mô hình chăn nuôi chất lượng cao mang lại thu nhập cho người dân. |
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Hà Nội, HTX còn hướng dẫn bà con chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn để tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Không riêng gì mô hình chăn nuôi lợn của HTX Dịch vụ sinh thái Ba Vì, hiện nay tại Ba Vì đã có rất nhiều mô hình chăn nuôi công nghệ cao của các HTX như mô hình chăn nuôi ở Hạ Mỗ; cơ sở chăn nuôi công nghệ cao tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng… mỗi năm xuất chuồng khoảng gần 1.000 con lợn, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho nông dân.
Việc chăn nuôi công nghệ cao đã làm thay đổi cả phương thức sản xuất truyền thống, đem lại sự đa dạng về chủng loại và tăng chất lượng, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Ngoài ra, còn giảm được chi phí công lao động như tưới nước thủ công, phòng trừ bệnh cho vật nuôi.
Đáng chú ý, sự thành công của các mô hình HTX với sự liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài đã chứng minh cho mục tiêu chăn nuôi chất lượng cao, đáp ứng được sự mở rộng mô hình chăn nuôi trong sự hội nhập nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại các HTX được đánh giá là một giải pháp quan trọng, một hướng đi đúng cần được nhân rộng trên quy mô cả nước để tạo ra sự chuyển đổi căn bản của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó tạo ra hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu của sản xuất hàng hóa trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.
Đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp
Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao từ khâu làm đất đến thu hoạch; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, giá trị ổn định...
Chẳng hạn, ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất như giống lúa TBR39, giống J02, nếp các loại; duy trì sản xuất rau, quả có giá trị kinh tế như rau gia vị, rau ăn lá... trong nhà màng 1 ha (HTX rau quả sạch Huy Hùng); ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun cho 2 ha cây Bưởi tại Cẩm Lĩnh, Sơn Đà, 1 ha cam ở tại xã Khánh Thượng, 2,7 ha bưởi tại Phú Sơn, 1 ha bưởi tại xã Vật Lại...
Hay việc ứng dụng hệ thống tưới phun cho cây chè giống mới LDP1 diện tích đạt 260 ha trong đó diện tích được nhà nước hỗ trợ 7 ha, 230 ha nhân dân tự đầu tư; mô hình ứng dụng công nghệ cao như hệ thống tưới phun, hệ thống nhà lạnh cho sản xuất cây chuối xã Phú Phương, Phú Châu quy mô: 57 ha; ứng dụng cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt trên 95% diện tích, khâu cấy đạt từ 4-5,5% của HTX Nông nghiệp Tản Hồng, HTX Nông nghiệp Yên Bài, HTX Nông nghiệp Châu Sơn, HTX Nông nghiệp Đông Quang...
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện như: chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt áp dụng hệ thống cho ăn tự động, chuồng kín tại các xã Vật Lại, Vân Hòa, Ba Trại, Cẩm Lĩnh, Thuần Mỹ, Thụy An, Khánh Thượng; mô hình nuôi gà Vietgap tại xã Phú Sơn (5.000 con); mô hình chăn nuôi bò sữa chuồng kín, hệ thống vắt sữa tự động, thái cắt cỏ bằng máy, xử lý chất thải bằng máy tại HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò tại xã Vân Hòa với quy mô 100 con bò sữa, sản lượng 550 tấn sữa tươi/năm.
![]() |
Mô hình chăn nuôi khép kín của HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò đã và đang đạt được kết quả khả quan. |
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Ba Vì còn hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, giới thiệu quảng bá sản phẩm... Các sản phẩm được công nhận OCOP chủ yếu là sữa tươi, sản phẩm chế biến từ sữa, giò đà điểu, rau quả an toàn...
Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, thu nhập người dân huyện Ba Vì không ngừng được nâng lên, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn ngày thêm khởi sắc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.
Không còn hộ nghèo theo chuẩn mới
Đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết, nếu như năm 2022 trên địa bàn huyện còn 436 hộ nghèo, 1.424 hộ cận nghèo, thì kết thúc năm 2024, huyện Ba Vì đã không còn hộ nghèo theo chuẩn mới, hiện toàn huyện chỉ còn 945 hộ cận nghèo (chiếm 1,27%).
Những con số này đã đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo chung của toàn TP Hà Nội. Thống kê đến hết năm 2024, TP Hà Nội đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 9.928 hộ (chiếm 0,43% số hộ dân) đã hoàn thành trước kế hoạch, vượt 182% chỉ tiêu giao. Như vậy, chỉ tiêu giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2022-2025.
Hà Nội hiện không còn hộ nghèo (theo chuẩn của TP Hà Nội) nhưng vẫn còn hộ cận nghèo, nếu không làm tốt thì có thể dẫn đến tái nghèo. Do đó vẫn cần có những cách làm sáng tạo, linh hoạt theo tình hình thực tế, cùng với các giải pháp đồng bộ để có thể tạo sinh kế bền vững cho người dân. Không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu cho bản thân và xã hội.
Được biết, huyện Ba Vì phấn đấu đến năm 2025 giá trị canh tác đạt 220 triệu đồng/ha, thu nhập của người dân nông thôn đạt 72 triệu đồng/người/năm...
Để hoàn thành mục tiêu này, đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ để nông dân tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm thế mạnh; đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Giang Nguyễn