UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 3%; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng ít nhất là 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm). Theo đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX sẽ là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Đi lên từ Hội quán
Theo Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 178 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chiếm 83,6% với trên 29.000 thành viên. Đặc biệt, đã có 30 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình của trên 29.000 thành viên của các HTX, Tổ hợp tác ngày một phát triển bền vững.
Là Hội quán đầu tiên được thành lập ở tỉnh, Canh Tân Hội quán (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) đã làm tốt vai trò tập hợp, kết nối, định hướng nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán cho biết, là thủ phủ của vùng đất trồng nhãn Châu Thành, hàng năm nơi đây cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn nhãn phục vụ cho người tiêu dùng và xuất khẩu.
Từ đòn bẩy Hội quán, năm 2018 HTX nông sản an toàn An Hòa được thành lập, với 120 thành viên, vốn điều lệ khoảng 1 tỷ đồng, mở ra hướng đi mới cho cây nhãn trên vùng đất cù lao. Với mục tiêu nâng cao giá trị cho cây nhãn, HTX đã xây dựng một quy trình sản xuất khép kín. Khi tham gia sản xuất tại HTX, nông dân phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, ghi chép lại đầy đủ quá trình phát triển của cây nhãn. Đồng thời, nông dân phải sản xuất theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ngoài những nông dân trực tiếp sản xuất, các thành viên là kỹ sư nông nghiệp, kinh doanh, kế toán... cũng phải đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động chung. Tất cả cùng chung tay tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm nhãn Châu Thành.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, tổng diện tích nhãn của HTX được chứng nhận VietGAP là 113,39ha/120ha; 19,5ha được chứng nhận GlobalGAP và có 122,95ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính như: Mỹ, EU... Ngoài ra, HTX được Viện thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng thực thẩm định “Thực phẩm sạch - An toàn vì sức khỏe người tiêu dùng”. Hiện tại, HTX liên kết với doanh nghiệp đầu ra cung ứng hàng cho xuất khẩu với số lượng khoảng 18 tấn/tuần.
![]() |
Các HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng do đã thích ứng được với những điều kiện khắt khe của kinh tế thị trường. |
Điều quan trọng nhất là tham gia vào HTX đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, thậm chí có của ăn của để. Anh Nguyễn Hoài An, thành viên HTX chia sẻ: Từ ngày tham gia vào mô hình HTX, chúng tôi không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, giá bán cũng ổn định giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Bà đỡ trong phát triển nông nghiệp
Một ví dụ khác là HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò), HTX thành lập vào cuối năm 1989 với quy mô toàn xã và đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 vào năm 2015 với số thành viên tham gia là 1.817 hộ, tổng diện tích quản lý là 1.180 ha, duy trì sản xuất 3 vụ/năm.
HTX có vốn điều lệ hơn 1,1 tỷ đồng với các dịch vụ hoạt động chính là sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế, gồm 12 dịch vụ: Tưới tiêu, điện nông thôn, tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp trả chậm, sản xuất cung cấp lúa giống, mua bán gạo, điện gia dụng, khuyến nông, bảo vệ thực vật, liên kết tiêu thụ nông sản, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng và sản xuất nước đóng bình đóng chai.
Ngoài việc định hướng cho hộ thành viên ổn định và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, tăng cường tình đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, HTX cùng với cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới.
HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Bình Thành là 1 trong 5 HTX của tỉnh Đồng Tháp được phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả, giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Doanh thu hằng năm từ 22 – 24 tỷ đồng, thu nhập trước thuế hằng năm từ 400 – 900 triệu đồng, chia lãi hằng năm cho thành viên từ 100 – 300 triệu đồng và thu nhập bình quân 01 lao động làm việc tại HTX từ 4,2 triệu đồng/tháng.
HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Bình Thành cho biết hiện nay HTX tiếp tục củng cố các dịch vụ kinh doanh, trong đó việc thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên là mục tiêu phấn đấu hàng đầu, vì mô hình này đáp ứng được yêu cầu của nông dân là nâng cao lợi nhuận và an tâm trong sản xuất.
Đẩy mạnh phát triển HTX
Chương trình giảm nghèo bền vững tại Đồng Tháp trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ gần 45.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Cụ thể, hơn 2.000 tỷ đồng đã được giải ngân cho các hộ nghèo vay, tạo điều kiện giúp họ cải thiện thu nhập.
Mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 2021-2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,2% mỗi năm, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Đồng thời, thu nhập bình quân của hộ nghèo sẽ tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung vào việc giải ngân hết 100% vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được giao trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, các mô hình phát triển Tổ hợp tác, HTX đi lên từ Hội quán đã hỗ trợ rất thiết thực cho người nông dân trong thay đổi tư duy phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo ra các cơ hội việc làm cho người dân, giúp nhiều hộ gia đình chuyển từ tình trạng nghèo khó sang tự lực và phát triển bền vững.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, một yếu tố quan trọng trong thành công của công tác giảm nghèo tại Đồng Tháp là sự thay đổi tư duy của người dân từ khi tham gia các mô hình kinh tế tập thể (KTTT). Trước đây, nhiều người nghèo trong tỉnh vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự giúp đỡ từ chính quyền, hoặc mặc nhiên chấp nhận nghèo khó như một phần không thể thay đổi của cuộc sống. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của chính quyền và các tổ chức xã hội, tham gia vào mô hình Hội quan, THT, HTX tư duy của người dân đã dần thay đổi. Điều này không chỉ thể hiện qua việc ngày càng nhiều Hội quan ra đời và “lớn lên” thành HTX, qua đó thể hiện quyết tâm vươn lên trong sản xuất và khởi nghiệp, từ đó không chỉ thoát nghèo mà còn tạo ra các cơ hội làm giàu cho người dân.
![]() |
Đồng Tháp có 30 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán |
UBND tỉnh Đồng Tháp, đánh giá: “Việc phát triển KTTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tỉnh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân tham gia vào các HTX.
Ông Lê Quang Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết, số HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng do đã thích ứng được với những điều kiện khắt khe của kinh tế thị trường. Bên cạnh sự nhanh nhạy trong thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng tối đa những lợi thế địa phương, HTX còn làm tốt dịch vụ hậu cần, giữ thế chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, từng bước tạo thế mạnh về kinh tế cho HTX.
Trong tổng số 243 HTX toàn tỉnh, có 70% HTX hoạt động hiệu quả. Các HTX đã dần chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là hỗ trợ, phục vụ thành viên thông qua các dịch vụ của HTX. Việc liên kết giữa các HTX và HTX với các tổ chức kinh tế khác được chú trọng. Ngoài ra, HTX rất tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP (hiện có 12 HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao).
Bà Cao Xuân Thu Vân,Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, so với bình diện chung của cả nước, số lượng HTX ở Đồng Tháp chỉ ở mức trung bình, tuy nhiên, số HTX hoạt động có hiệu quả chiếm tỷ lệ khá cao (trên 70%). Đây là cơ sở để Đồng Tháp nghiên cứu, xây dựng mô hình Liên hiệp HTX, huy động nguồn vốn đủ mạnh trong thành viên, xây dựng mô hình kinh tế tập thể điển hình tiêu biểu của cả nước.
Hoàng Hà