Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ các hộ gia đình áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện quy trình chăn nuôi toàn sinh học theo hướng VietGAP đạt 35-40%.
An toàn, bền vững
Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Với việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học,an toàn dịch bệnh, ngành chăn nuôi của tỉnh Hưng Yên đã vượt qua được những khó khăn, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm ô nhiễm trong chăn nuôi và đem đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng.
Điều đáng nói là có nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, mô hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác… đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.
Các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đầu tư theo hệ thống khép kín, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi. Cụ thể, tại HTX Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (Khoái Châu). Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường đồng thời tạo ra những sản phẩm sạch, phục vụ người tiêu dùng, HTX đã áp dụng quy trình VietGAP. Mô hình chăn nuôi được tách biệt với nhà dân và đầu tư khép kín. Quy trình chăn nuôi hàng ngày được ghi chép, theo dõi hàng ngày, bảo đảm 3 sạch: Chuồng nuôi sạch; ăn, uống sạch; con giống sạch.
![]() |
Nuôi gà an toàn ở HTX Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo |
Đến nay, HTX duy trì 4 – 5 nghìn con gà Đông Tảo. Gà phát triển ổn định, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, nâng cao hiệu quả kinh tế tới 20 – 25%. Đặc biệt, đàn gà khi xuất chuồng sẽ là sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.
Không chỉ các HTX, các hộ gia đình cũng ý thức được hiệu quả của mô hình chăn nuôi an toàn nên đã áp dụng vào thực tiễn. Tại xã Thụy Lôi, Cương Chính, Minh Phượng, Lệ Xá, Đức Thắng (huyện Tiên Lữ), các hộ gia đình chủ yếu nuôi giống gà lai Đông Tảo, gà ta, gà Lương Phượng, gà Từ Hồ. Hầu hết các hộ đều chăn nuôi theo quy mô 100-200 con nhưng do áp dung chăn nuôi an toàn, bảo đảm yêu cầu về thức ăn, nước uống, nhiệt độ; bảo đảm công tác vệ sinh thú y, quy trình phòng bệnh... Nhờ đó, tỷ lệ gà sống của các hộ khá cao, đạt trên 96%. Môi trường không bị ô nhiễm, chăn nuôi không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.
Khuyến khích phát triển
Để phát triển bền vững, Hưng Yên đã đẩy các đề án, nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có hàng nghìn hộ đang áp dụng chăn nuôi, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi gà Đông tảo an toàn sinh học trên địa bàn huyện Ân Thi Và Mỹ Hào mỗi năm cho ra thị trường hơn 3 nghìn con gà chất lượng, trong khi môi trường chăn nuôi vẫn được bảo đảm. Hình thức chăn nuôi này hiện đã thu hút hàng trăm hộ gia đình và đã thành lập được các HTX.
Hiện nay, Hưng Yên không chỉ trong chăn nuôi mà hầu hết các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp tại Hưng Yên đã phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Để mang lại hiệu quả, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tham gia các HTX, Tổ hợp tác, làm vệ tinh cho doanh nghiệp thông qua HTX.
![]() |
Chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi bảo vệ môi trường |
Theo Liên minh HTX tỉnh, Hưng Yên hiện có 197 HTX lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó, 80% các HTX này đã thực chăn nuôi sạch, chú trọng bảo vệ môi trường để mang lại giá trị kinh tế. Tiêu biểu như HTX nuôi trồng thủy sản xã Hạ Lễ huyện Ân Thi, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Quan huyện Văn Giang, HTX Nhãn lồng Nễ Châu thành phố Hưng Yên...
Song song với những hiệu quả mang lại về kinh tế, môi trường, sức khỏe, sản xuất theo hướng an toàn sinh học,an toàn dịch bệnh hiện nay cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Chi phí đầu tư cao cho xây dựng chuồng trại, điều kiện chăn nuôi; con giống; thức ăn; vắc-xin; quy trình kỹ thuật... Do đó, rất cần sự vào cuộc của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi, từ đó thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.
Huyền Trang