![]() |
Mô hình cây ăn trái tại Buôn Đôn cho hiệu quả cao nhờ sản xuất an toàn |
Mở hướng đi mới
Là một trong số những người đầu tiên thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, anh Đỗ Văn Long (xã Tân Hòa) chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, ngô, đậu tương. Vườn có nguồn nước đủ lớn nhưng đất cằn khiến năng suất cây trồng rất thấp”.
“Sau khi tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái tại các vùng khác có chất đất tương tự, năm 2013, tôi bắt đầu chuyển đổi dần 2 ha đất trồng hoa màu sang canh tác cây cam, quýt, bưởi. Nhờ cách làm khoa học, vườn cây nhanh chóng cho hiệu quả cao”, anh Long tiếp tục.
Thành công của các mô hình tiên phong đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều hộ gia đình trong huyện. Tuy nhiên, việc các hộ đua nhau trồng cây ăn trái khiến nguồn cung các sản phẩm chủ lực như cam, quýt, ổi… tăng mạnh, trong khi thị trường bấp bênh, khiến nhiều hộ trồng cây gặp khó.
Để giải quyết khó khăn, đầu năm 2018, anh Long cùng các nông hộ trong vùng thống nhất xây dựng vùng sản xuất cam, quýt, bưởi theo hướng VietGAP để cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Nhóm liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Buôn Đôn được thành lập với 18 thành viên. Đến cuối năm 2018, Tổ chức Chứng nhận VSCB đã cấp chứng nhận VietGAP cho 42,6 ha trồng cây ăn trái của nhóm, với sản lượng dự kiến 641 tấn/năm.
“Để được cấp chứng nhận VietGAP, các thành viên của nhóm phải mất gần 1 năm để thay đổi phương thức canh tác dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động (ATLĐ) được siết chặt”, anh Long cho hay.
Đơn cử, từng thành viên của nhóm được tập huấn kỹ kiến thức về ATLĐ, hiểu rõ bản chất và các yếu tố phát sinh dịch bệnh để chủ động phòng tránh. Cây trồng cũng được bổ sung dinh dưỡng bằng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học với liều lượng hợp lý, tiết kiệm…
![]() |
HTX ra đời sẽ trở thành đơn vị dẫn dắt cho thành viên, hộ dân liên kết |
HTX được thành lập
Thành công của nhóm liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Buôn Đôn đã tạo tiền đề cho HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 ra đời.
HTX có 38 thành viên với tổng diện tích canh tác lên đến 142 ha, với định hướng xây dựng vùng cây ăn trái dọc sông Sêrêpốk kéo dài từ xã Ea Nuôl đến tận xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đỗ Văn Long cho biết mục tiêu đầu tiên của HTX là hướng toàn bộ thành viên sản xuất theo chuỗi, ứng dụng các biện pháp canh tác an toàn để tăng chất lượng và giá trị các loại cây ăn trái, đem lại lợi ích bền vững về kinh tế và ATLĐ cho thành viên.
Để hiện thực hóa mục tiêu, HTX đã tiến hành phân tổ, phân vùng canh tác, thuê kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật cho từng tổ và cử một số thành viên tham gia các khóa tập huấn về nông nghiệp an toàn để giám sát kỹ thuật của từng tổ theo đúng quy trình và lịch sản xuất do HTX đề ra.
Bên cạnh lợi thế về sản xuất, thuận lợi của HTX hiện nay là phần lớn các vườn bố trí dọc sông Sêrêpốk và thủy điện Sêrêpốk 3, với tiềm năng lớn để khai thác du lịch. Do đó, ngay từ khâu tổ chức sản xuất, HTX đang định hướng thành viên xây dựng vườn cây hợp lý để tạo cảnh quan phục vụ cho du lịch trong tương lai.
Ngoài tiềm năng về dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn, HTX còn có lợi thế về các mặt hàng thủy sản và hình thức tham quan, trải nghiệm tại các lồng bè nuôi cá trên sông Sêrêpốk.
“Phát triển du lịch là một chiến lược dài hơi, cần được đầu tư nhiều về công sức, tiền bạc. Vì vậy, HTX đang xây dựng dự án, tham vấn các cơ quan chức năng cũng như kêu gọi đầu tư từ các đối tác có năng lực về tài chính và giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức du lịch để biến nơi đây thành một vùng sinh thái nông nghiệp lý tưởng trong tương lai không xa”, Giám đốc HTX Đỗ Văn Long nhấn mạnh.
Hạ Vy