Đến vùng nông thôn Sóc Trăng nghe bà con Khmer râm ran bàn chuyện nuôi bò sữa để thoát nghèo, chúng tôi tìm đến HTX nông nghiệp Evergrowth để tìm hiểu cách làm ăn của HTX.
Tìm hướng đi đúng
Hỏi ra mới biết, phần lớn hộ nuôi bò sữa là đồng bào Khmer, con số này chiếm hơn 95% số hộ tham gia HTX. Trước đây, nông dân Sóc Trăng thường xuyên loay hoay với điệp khúc “trúng mùa rớt giá”. Nhiều hộ không biết nuôi con gì, trồng cây gì để cho thu nhập ổn định. Trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu, đất hoang hoá hoặc chưa được cải tạo. Lúc này, HTX ra đời, kịp thời giúp nhiều hộ Khmer làm ăn có hiệu quả, cải thiện cuộc sống.
Để xoá đói, giảm nghèo bền vững cho nông dân, nhất là đồng bào Khmer, HTX chọn mô hình nuôi bò sữa. Mô hình này mang tính cộng đồng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, có khả năng phát triển lâu dài, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, đất hoang hoá và đất trống để trồng cỏ nuôi bò. Dẫn chúng tôi đi xem quy trình làm lạnh sữa trước khi chuyển đến nhà máy, Giám đốc HTX nông nghiệp Evergrowth Trần Hoàng An cho biết, HTX được thành lập tính đến nay đã hơn 15 năm, thuộc dự án nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Để làm ăn có hiệu quả, trước khi thành lập, nông dân được tập huấn kỹ lưỡng cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò sữa, kỹ thuật trồng cỏ…
Chủ tịch HĐQT HTX Trương Hải Phước thì cho rằng khả năng tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi bò sữa còn hạn chế, nên HTX phải sát cánh với thành viên ngay từ đầu đến suốt quá trình chăn nuôi để hỗ trợ mọi mặt. Nhờ vậy, thành viên luôn vững tin vào HTX, phấn khởi đoàn kết, hăng say lao động để vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển HTX. Lúc mới thành lập HTX chỉ có 171 thành viên, nay đã lên tới hơn 2.000 thành viên. Tổng đàn bò cũng không ngừng tăng lên, ban đầu chỉ có 352 con, hiện nay đã lên đến gần 5.000 con, trong đó có khoảng 70% đang cho sữa, đưa tổng đàn bò của Sóc Trăng tăng lên dẫn đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
![]() |
Nông dân đang chăm sóc đàn bò sữa ở Sóc Trăng |
Chỗ dựa của người nghèo
Nhờ nuôi bò sữa mà ngày càng có nhiều thành viên người Khmer có nhu nhập ổn định, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Trước khi vào HTX, nông dân phải tham gia câu lạc bộ. Một trong những tiêu chí quan trọng của mỗi câu lạc bộ là phải có ít nhất 30% số hộ nghèo.
Khi được hỏi, bà con đều cho rằng bò sữa dễ nuôi, vì vừa được HTX hỗ trợ bò sữa, vừa được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa. Theo tính toán của bà con thành viên, với giá HTX đang thu mua 11.500 đồng/lít, trung bình mỗi con bò cho 12 lít sữa/ngày, sau khi trừ chi phí, thì người nuôi còn lời khoảng 100 nghìn đồng.
Thành viên còn được chia tiền lãi của HTX theo tỷ lệ sữa bán cho nhà máy. HTX luôn xác định rõ mọi hoạt động cung cấp dịch vụ như: thuốc, thức ăn, chăm sóc, gieo tinh nhân tạo… chủ yếu là phục vụ tốt nhất cho bà con thành viên chăn nuôi đạt hiệu quả cao, nhờ vậy sữa mà bà con bán cho nhà máy luôn ở mức giá cao hơn so với nhiều hộ nuôi bò khác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hơn 15 năm đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo trong HTX đã giảm hơn 80% so với lúc mới thành lập.
Cán bộ kỹ thuật của HTX dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi bò sữa của nhiều hộ Khmer. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe bà con khoe: “Nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định lắm”; “Nhờ có bò sữa mà gia đình không còn thiếu trước hụt sau như trước đây”…
Với cách hỗ trợ nông dân bằng mô hình làm ăn có hiệu quả, Sóc Trăng hiện có cả nghìn hộ là đồng bào Khmer đã thoát nghèo nhờ nuôi bò sữa. Bà Lý Thị Suôl ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện trần Đề hồ hởi nói: “Trước khi vào HTX, gia đình nghèo lắm. Bố mẹ, con cái đi làm mướn quanh năm suốt tháng để no cái bụng. Nếu không có bò, không biết giờ này mình đi làm mướn ở xứ nào rồi. Nhờ HTX giúp đỡ mà nay mình đã có gần 10 con bò đang cho sữa. Mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. Thu nhập ổn định, cả nhà không còn đi làm mướn như trước nữa, mình cảm ơn mấy chú trong HTX nhiều lắm!”.
Nhiều hộ Khmer khác như: Liêu Văn Sơn, Lý La, Thạch Thị Sen (Viên An, Trần Đề), Thạch Thị Phol, Lý Thị Sượng (Phú Mỹ, Mỹ Tú)… cũng được HTX hỗ trợ nuôi bò sữa, hiện đã thoát nghèo và trở thành thành viên tiêu biểu của HTX.
Minh Thành