Thực hiện Dự án Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cho các xã, thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2, tỉnh có 37 liên kết đối tác sản xuất được thực hiện, thu hút sự tham gia của 14 đối tác và hơn 8.700 hộ dân, tổ chức thành 397 nhóm CIG.
Hoạt động xương sống
Việc liên kết sản xuất đã tạo ra những vùng nguyên liệu ổn định, phù hợp với quy hoạch phát triển của các huyện như: mía nguyên liệu huyện Yên Thủy, Lạc Sơn; cà gai leo huyện Yên Thủy, chè Shan tuyết Tân Lạc, cá lồng Đà Bắc.
![]() |
Liên kết sản xuất giúp mở rộng diện tích vùng nguyên liệu cà gai leo Yên Thủy (Ảnh: Tư liệu) |
Là đơn vị tiên phong nỗ lực triển khai hoạt động, huyện Yên Thủy đã huy động được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân vào cuộc nên từ quy mô hỗ trợ ban đầu ở mức khiêm tốn, các liên kết mía nguyên liệu và cà gai leo đã mở rộng diện tích. Còn tại huyện Tân Lạc, mặc dù có xuất phát điểm chậm hơn một số huyện khác, nhưng liên kết cá lồng của xã Ngòi Hoa là minh chứng cho việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là liên kết có vốn ngân sách nhà nước đầu tư lớn nhất trong toàn dự án.
Theo số liệu của Ban quản lý dự án giảm nghèo tỉnh Hòa Bình, trong số các liên kết sản xuất có tới 99% nhóm CIG tiếp tục ký hợp đồng và bán sản phẩm cho đối tác. Phần lớn liên kết đều có lợi nhuận, đem lại thu nhập cho các CIG tham gia, trong đó thu nhập bình quân của liên kết sản xuất mía ở Lạc Sơn đạt cao nhất (13,16 triệu đồng/hộ/năm), cà gai leo Yên Thủy đạt xấp xỉ 12 triệu đồng/hộ/năm.
Có thể thấy, việc hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các nhóm CIG là hoạt động "xương sống” trong khuôn khổ dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là một trong những giải pháp cốt lõi góp phần giảm nghèo bền vững khi hơn 3.700 hoạt động sinh kế được thực hiện, 2.186 nhóm CIG được thành lập với 28.263 thành viên.
Tiêu biểu phải kể đến nhóm CIG trồng khoai lang tại xóm Khan Thượng, xã Ba Khan (huyện Mai Châu) hình thành năm 2012 với số vốn hỗ trợ 6,4 triệu đồng, có 15 hộ tham gia, trồng khoai lang trên 5.000 m2, thu 4 tấn sản phẩm, bán được 20 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, đã có thêm 7 thành viên tham gia nhóm.
![]() |
Nông dân xã Ba Khan (Mai Châu) từng bước giảm nghèo nhờ trồng khoai lang (Ảnh: TL) |
Sau 6 năm, diện tích trồng khoai của nhóm CIG Khan Thượng mở rộng lên 5,5 - 6 ha, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, giá bán từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của nhóm đạt 1.181 triệu đồng; thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 19 triệu đồng/năm. 9 hộ trong nhóm đã thoát nghèo bền vững.
Thay đổi bộ mặt nông thôn
Trên nền nhóm CIG này, chị Bùi Thị Bờ, Trưởng nhóm đã tìm hiểu và quyết định thành lập HTX Khan Tân để đa dạng cây trồng và chủ động tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự đồng thuận của các thành viên, HTX tập trung vào các lĩnh vực: chăn nuôi hỗn hợp, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh thực phẩm… Đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt, ngoài tiếp tục trồng khoai lang, thành viên HTX đã đầu tư trồng các loại rau sạch như bắp cải, su su, xà lách… Qua đó, giúp các thành viên có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 1.226 tiểu dự án giảm nghèo với 24.516 lượt hộ hưởng lợi. Đã có 3 liên kết sản xuất được thực hiện và 683 nhóm CIG thành lập, được hỗ trợ về vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Hoạt động hỗ trợ sản xuất của các nhóm CIG đã tạo thêm cơ hội việc làm, đa dạng sản phẩm, ngành nghề nông, lâm nghiệp, tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn huyện.
Sự phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả của các nhóm đa giúp tỉnh Hòa Bình hình thành được 53 tổ hợp tác và 11 HTX trên nền tảng 64 nhóm CIG. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng dự án có sự chuyển mình tích cực. Nếu như trước khi thực hiện dự án giảm nghèo giai đoạn 2, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới đạt hơn 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo gần 19% thì đến hết năm 2019, thu nhập bình quân tăng lên hơn 50 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 11,36%.
Hoàng Lê