Mù Cang Chải là huyện vùng cao, 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa phong phú mang đậm bản sắc dân tộc…
Mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách du lịch
Hiện nay, huyện có 281 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được kiểm kê; trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang, Di tích quốc gia nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ, và 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, thời gian qua, huyện đã tập trung khai thác tối đa tiềm năng, đẩy mạnh liên kết vùng nhằm phát triển du lịch địa phương.
![]() |
Mù Cang Chải có nền văn hóa phong phú mang đậm bản sắc dân tộc. |
Chẳng hạn như chương trình liên kết, hợp tác phát triển vùng giữa huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) với huyện Bắc Yên, Mường La (tỉnh Sơn La) và thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc; phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của đồng bào Mông Mù Cang Chải ra các tỉnh, thành phố trong nước và thế giới.
Mới đây nhất là Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thị xã Sa Pa và huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất, năm 2024; sơ kết 2 năm thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc giữa các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và Mường La, Bắc Yên (tỉnh Sơn La).
Nhờ đó, Mù Cang Chải đã được nhiều kênh truyền hình, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới như: Kênh truyền hình CNBC của Mỹ bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất năm 2020; hay Tạp chí du lịch quốc tế Condes Nast Traveler bình chọn là điểm đến màu sắc nhất thế giới vào các năm 2019 và 2023; hay trang website về du lịch Big Seven Travel bình chọn là một trong 50 điểm đến đẹp nhất năm 2020 (xếp hạng 21); chuyên trang du lịch Wanderlust Storytellers xếp Mù Cang Chải ở vị trí đầu tiên trong danh sách 25 điểm đến sở hữu vẻ đẹp siêu thực đáng kinh ngạc…
Các sản phẩm du lịch ở Mù Cang Chải ngày càng phát triển đa dạng, chuyên nghiệp hơn từ du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng cho đến bay dù lượn, trải nghiệm xe địa hình, bay trực thăng ngắm cảnh… đã thu hút đông đảo khách du lịch. Mỗi năm, huyện đón hàng trăm ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Huyện Mù Cang Chải còn triển khai hỗ trợ cho các hộ gia đình làm dịch vụ homestay vay không lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây dựng nhà nghỉ cộng đồng; hỗ trợ học nghề về làm dịch vụ, du lịch; đồng thời có cơ chế hỗ trợ nhân dân khôi phục, phát triển một số nghề truyền thống và một số sản vật có giá trị lịch sử của người Mông.
Năm 2024, huyện Mù Cang Chải đón 384.872 lượt khách du lịch, bằng 110% chỉ tiêu huyện giao, bằng 117% chỉ tiêu tỉnh giao; trong đó khách nước ngoài đạt 31.518 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 388,3 tỷ đồng, bằng 111% chỉ tiêu huyện giao, bằng 133,9% chỉ tiêu tỉnh giao.
Bên cạnh đó, trên địa bàn xây dựng và duy trì trên 1.250 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó có 144 nhà nghỉ, homestay với sức chứa trên 3.000 khách/đêm.
Tận dụng nền tảng mạng xã hội
Có được kết quả trên không chỉ là nhờ sự hỗ trợ của các cấp ban ngành lãnh đạo huyện mà còn góp phần không nhỏ từ mô hình liên kết HTX, giúp thành viên tham gia được biết thêm về những kiến thức, kỹ năng, từ đó phát triển được mô hình du lịch của gia đình mình, góp phần ổn định cuộc sống, thoát nghèo vươn lên.
Thực tế, Yên Bái đã và đang được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng, ẩm thực độc đáo, con người thân thiện, mến khách... một phần là nhờ vào việc quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện nay, việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch tới du khách trong và ngoài nước thông qua mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Youtube… đang là thế mạnh được các doanh nghiệp, HTX nói chung, HTX Du lịch đồi Mâm xôi La Pán Tẩn nói riêng khai thác hiệu quả.
HTX Du lịch đồi Mâm xôi La Pán Tẩn đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá du lịch với mục đích giới thiệu về Yên Bái nói chung đặc biệt là Mù Cang Chải là điểm đến an toàn, hấp dẫn và hạnh phúc; cụ thể như chỉ cần một địa điểm du lịch hay món ăn ẩm thực được đăng tải trên Facebook sẽ có nhiều người nhấn thích, chia sẻ rộng rãi. Với tốc độ lan truyền nhanh, chỉ sau vài giờ đã có hàng nghìn người biết, không ít trong số đó có nhu cầu đến tham quan, khám phá.
Anh Lý A Dờ, Giám đốc HTX cho biết: "Từ khi mới thành lập vào tháng 8/2022, chúng tôi đã khẩn trương xây dựng một trang fanpage trên Facebook. Đến nay, qua những bài đăng giới thiệu điểm đến, lịch trình, tour tuyến, ẩm thực độc đáo… và một phần nhờ tốc độ “truyền dẫn” của những bức ảnh check-in đẹp tuyệt vời tại đây nên trang Facebook “Hợp tác xã Du lịch đồi Mâm xôi La Pán Tẩn” đã thu hút hàng ngàn lượt người thích và theo dõi. Lượng khách du lịch tìm đến đây ngày càng đông".
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng giao tiếp khi đón khách và biết cách giới thiệu về Mù Cang Chải.
So với vùng thấp, du lịch cộng đồng ở xã La Pán Tẩn cho thu nhập chưa cao nhưng đã giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo.
![]() |
HTX Du lịch đồi Mâm xôi La Pán Tẩn đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá du lịch với mục đích giới thiệu về Yên Bái nói chung, đặc biệt là Mù Cang Chải là điểm đến an toàn, hấp dẫn và hạnh phúc. |
Chị Vàng Thị Lý, bản La Pán Tẩn chia sẻ, trung bình mỗi tháng, tổng nguồn thu từ du lịch của gia đình chị vào khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí, vợ chồng chị Lý lãi khoảng 15-20 triệu đồng; vào mùa du lịch cao điểm có tháng thu về gần 90 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được một nửa.
Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sâu rộng hơn các sản phẩm, dịch vụ du lịch của mình trên các nền tảng mạng xã hội, bởi hầu hết những bài đăng, bài chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội sẽ không tiêu tốn bất cứ một chi phí nào.
Bên cạnh việc ứng dụng mạnh mẽ mạng xã hội để quảng bá, phát triển du lịch, HTX sẽ phải linh hoạt hơn trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và không ngừng học hỏi, cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, mở ra hướng đi mới, bền vững hơn trong tương lai.
Vượt chỉ tiêu giảm nghèo
Theo lãnh đạo huyện, nhờ đạt được những thành quả trong phát triển du lịch, Mù Cảng Chải đã đóng góp quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh Yên Bái, tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập tăng gấp đôi, kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái đã giảm mạnh từ 18,07% năm 2021 xuống chỉ còn 5,68% vào cuối năm 2024. Mức giảm này tương đương 12,39%, trung bình mỗi năm giảm 4,13%. So với mục tiêu giảm 3,3% mỗi năm của tỉnh và 3% mỗi năm của Trung ương, Yên Bái đã có bước tiến vượt bậc.
Đặc biệt, tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, nơi có tỷ lệ nghèo đói cao, tình hình cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tại huyện Trạm Tấu, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã triển khai kế hoạch cụ thể nhằm giảm 7,5% hộ nghèo so với năm 2023. Các dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở được thực hiện đồng bộ, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2024 xuống còn 48%.
Trong khi đó, huyện Mù Cang Chải, với nguồn vốn đầu tư hơn 240 tỷ đồng cho các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo tới 10,03%, vượt chỉ tiêu đề ra. Huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 23,2%, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Năm 2025, Yên Bái đặt mục tiêu hoàn thành 100% mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện để người dân tự vươn lên, duy trì mức sống ổn định và lâu dài.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, Yên Bái đang tiến gần hơn đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững cho tỉnh nhà.
Trong đó, đại diện UBND huyện Mù Cang Chải cho biết đến năm 2025, huyện phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến "Bản sắc, An toàn, Thân thiện". Từ đó đóng góp hiệu quả hơn vào công cuộc giảm nghèo của toàn tỉnh.
Linh Đan