Ở xã A Ngo (nơi có trên 80% là người dân tộc thiểu số) có HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện là nơi làm chổi đót quy mô, có tiếng ở huyện A Lưới. Bình quân mỗi tháng, HTX tiêu thụ được khoảng 1.000 cây chổi, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con dân tộc thiểu số.
Tạo sinh kế từ HTX sản xuất chổi đót
Sản phẩm chổi đót của HTX được tiêu thụ rộng tại Huế và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình… Bên cạnh đó, HTX còn còn sáng tạo ra những mẫu mã từ nghề đan lát làng quê, trồng nấm bào ngư…để tăng thêm thu nhập, tạo thêm việc làm cho bà con dân tộc thiểu số.
![]() |
bà Hoàng Thị Kén, Giám đốc HTX Hoàng Thiện giúp tạo công ăn việc là cho bà con dân tộc thiểu số ở A Ngo với nghề làm chổi đót. |
Có được thành quả như vậy phải kể đến vai trò của bà Hoàng Thị Kén, Giám đốc HTX Hoàng Thiện. Nhờ vào uy tín của bản thân mà bà thường xuyên được Trung tâm Dạy nghề huyện A Lưới mời đến dạy các nghề thủ công cho hàng ngàn phụ nữ dân tộc người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở xã A Ngo và các xã khác trong huyện.
Từ “mối duyên” đó đã giúp cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc tham gia vào HTX và biết tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú của núi rừng A Lưới để phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình. Nhiều học viên sau khi được dạy nghề đã nhận nguyên liệu của HTX về gia công và nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ làm chổi đót.
Theo bà Kén, làm chổi cần sự tỉ mỉ, siêng năng. Một cây chổi làm ra phải đẹp và bền mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để hoàn tất những đơn hàng lớn, bà phân chia nhiều công đoạn, người giỏi việc nào sẽ đảm nhận công việc đó, nhờ vậy mà năng suất và chất lượng mới đảm bảo, sản phẩm giao đúng hẹn.
Như bao phụ nữ dân tộc thiểu số khác tại địa phương, bà Kăn Hôn, ngoài 70 tuổi, xã A Ngo, cũng đến HTX Hoàng Thiện nhận hàng về nhà gia công và rất vui với công việc của mình. Bà cho biết vào mùa cao điểm, mỗi ngày bà kiếm được hơn 100.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể ở độ tuổi của bà.
Ngoài HTX nêu trên, bà con dân tộc thiểu số ở A Ngo còn có “mối duyên” với HTX Nông sản an toàn A Lưới ở thôn Pâr Nghi, xã A Ngo. HTX đang có mô hình trồng nông sản sạch không chỉ ở A Ngo mà còn với một số xã khác trong huyện A Lưới với gần 400ha trồng chuối, trong đó có 116ha trồng chuối già lùn. Nguồn thu nhập từ chuối, nhất là chuối già lùn từng bước đã làm thay đổi đời sống bà con nông dân ở xã A Ngo nói riêng và huyện A Lưới nói chung.
“Gieo duyên” việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Là một phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã A Ngo, chị Hồ Thị Nga (Kăn A Ri), Giám đốc HTX Nông sản an toàn A Lưới, cho biết thời gian qua, HTX đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của các cơ quan, ban ngành.
![]() |
Chị Hồ Thị Nga, Giám đốc HTX Nông sản an toàn A Lưới, luôn năng động và nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các mặt nông sản sản của địa phương mình. |
HTX Nông sản an toàn A Lưới hiện đã có vị thế trong sản xuất và kinh doanh mặt hàng nông sản trên địa bàn xã A Ngo, huyện A Lưới. Hiện nay, HTX đang tiếp tục triển khai quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hướng đến phát triển đầu ra của sản phẩm tại Tp.Huế và các tỉnh lân cận.
Chị Hồ Thị Nga cũng được ghi nhận là nổi tiếng “mát tay” khi tạo ra việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương. Các thành viên là bà con dân tộc thiểu số trong HTX luôn xem chị Nga như là bà mối “gieo duyên” để họ có động lực sản xuất tăng thu nhập cho gia đình.
Trong những lúc khó khăn nhất, giá cả thị trường nông sản không ổn định, nhưng chị Nga luôn dành ưu tiên để bao tiêu sản phẩm cho các chị em, với quan điểm rằng "Người ta cần giúp lúc khó khăn nhất". Điều đó tạo thêm niềm tin yêu đối với chị.
Để đảm bảo sản phẩm cho thị trường, ngoài thành viên của HTX, chị Nga còn vận động thành lập 3 tổ vệ tinh với các tên gọi: “Tổ rau sạch”; “Tổ bí đỏ, bí đao”; “Tổ chuối già lùn”… Tất các các sản phẩm của các tổ đều được HTX bao tiêu và với giá cả tốt.
Ngoài cung ứng cho thị trường siêu thị trong và ngoài Tp.Huế, chị Nga luôn năng động và nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng nông sản của địa phương mình. Hàng năm, chị luôn chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm số lượng khá lớn với các trường mầm non bán trú, các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn huyện và Tp.Huế. Qua đó giúp mang lại doanh thu cho HTX từ 850 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh tiêu thụ chuối chín, từ sự mày mò tìm hiểu, sáng tạo và liên kết, HTX Nông sản an toàn A Lưới đã từng bước “lên đời” cho thương hiệu chuối già lùn với đa dạng các sản phẩm như: Chuối sấy dẻo, bánh mì chuối xanh sấy giòn, sợi mì bột chuối xanh…
Theo chị Nga, chuối già lùn khi chín dẻo, ngọt dịu, rất thơm và luôn được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, khi chuối chín thì thời gian sử dụng khá ngắn nên nếu sản phẩm thu hoạch về bán không được, tồn đọng thì sẽ gây khó khăn, thất thoát cho bà con và thành viên HTX.
Chính vì vậy, ngoài tăng cường làm chuối sấy dẻo, chị Nga cho biết HTX đã liên kết với Công ty Hữu cơ Huế Việt (Hue Viet Organic) để sản xuất những sản phẩm có thể tiêu thụ, sử dụng lâu dài, vừa tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Tạo động lực thoát nghèo bền vững
Để phát triển bền vững các vùng trồng chuối già lùn trên địa bàn A Ngo nhằm tạo thu nhập ổn định cho đồng bào, kỳ vọng chính quyền huyện A Lưới sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện và triển khai các dự án nhân rộng diện tích trồng chuối trong xã.
![]() |
Phát triển bền vững các vùng trồng chuối già lùn trên địa bàn A Ngo giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo bền vững. |
Có thể nói, với “mối duyên” của hai HTX nêu trên đã tạo động lực rất lớn giúp bà con dân tộc thiểu số ở A Ngo vươn lên thoát nghèo. Điều kỳ vọng là thời gian tới chính quyền xã A Ngo sẽ tạo điều kiện hơn nữa để HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện và HTX Nông sản an toàn A Lưới tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, nhất là tập trung quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, và trên sàn giao dịch điện tử để thương hiệu của các HTX này vươn xa.
Ngoài ra, trong xã A Ngo cũng đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa các cây, con chủ lực có tính lợi thế nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Chính quyền xã cũng xác định, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, huy động có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Người người, nhà nhà có ý thức hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo và tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng nỗ lực của mình, hạn chế ý thức trông chờ, ỷ lại.
Thực tế cho thấy từ việc phát triển kinh tế hợp tác và tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi mà nhiều hộ dân tộc thiểu số ở A Ngo không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống ổn định và vươn lên khá, giàu.
Chính vì vậy, tin rằng thời gian tới, thông qua sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp.Huế đối với các HTX ở huyện A Lưới thì hoạt động kinh tế hợp tác ở xã A Ngo sẽ có thêm những bước tiến mới. Từ đó giúp cho đời sống bà con dân tộc thiểu số ở A Ngo thoát nghèo bền vững và ngày càng sung túc hơn nữa.
Thanh Loan