Trong hành trình đầy ý nghĩa này, các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp, đã khẳng định vai trò là "cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương, là cầu nối vững chắc giữa nhà nước, nhà khoa học và người nông dân. Không chỉ hỗ trợ các thành viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, kỹ thuật canh tác tiên tiến, các HTX còn đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập.
Câu chuyện thành công của các HTX
Trước đây, người trồng thanh long ở Tầm Vu chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thương lái và thường xuyên đối mặt với tình trạng "được mùa mất giá". Năm 2010, HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) ra đời đã tạo ra một bước ngoặt lớn. HTX đã tập hợp các hộ trồng thanh long lại với nhau, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
![]() |
Thanh long đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo ở Long An. |
Điểm nổi bật của HTX là việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. HTX đã ký kết hợp đồng với các siêu thị lớn trong nước và các công ty xuất khẩu, giúp các thành viên không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc thanh long, phòng trừ sâu bệnh, giúp nâng cao năng suất và chất lượng trái. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên HTX đã tăng lên đáng kể, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và xây dựng được cuộc sống ổn định.
Một thành viên HTX, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng thanh long bấp bênh lắm, giá cả lên xuống thất thường. Từ khi tham gia HTX, được hỗ trợ về kỹ thuật, lại có đầu ra ổn định, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn nhiều, con cái cũng có điều kiện ăn học tốt hơn."
Trước đây, gia đình anh Hồng Minh Tuấn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) trồng 5ha lúa theo phương thức truyền thống. Mỗi năm, gia đình anh Tuấn trồng 2 vụ, năng suất đạt nhưng thường xuyên gặp điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Qua một buổi tuyên truyền của Liên minh HTX tỉnh và địa phương, nhận thấy nhiều lợi ích khi tham gia HTX, anh tham gia HTX Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh). Anh Tuấn chia sẻ: “Khi tham gia HTX, các thành viên được giảm chi phí sản xuất nhờ mua chung nguyên liệu, vật tư nông nghiệp, áp dụng các quy trình sản xuất đồng bộ,...; đồng thời, HTX cũng bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường nên an tâm sản xuất”.
Thực tế, nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) luôn tạo được niềm tin với các thành viên thông qua việc hỗ trợ các dịch vụ đầu vào và ký kết bao tiêu đầu ra. Chính sự gắn kết này đã giúp HTX hoạt động ngày càng hiệu quả.
Với sự ưu đãi từ các dịch vụ sản xuất của HTX, nông dân trên đia bàn xã Hưng Thạnh mạnh dạn tham gia HTX, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến thu hoạch. Ông Võ Văn Cửu (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Chi phí bơm nước của HTX thấp hơn bên ngoài khá nhiều. Chỉ cần gọi điện thoại cho HTX là có người bơm nước lên ruộng ngay, chúng tôi không còn lo về vấn đề thiếu nước sản xuất. Bên cạnh đó, khi tham gia HTX và liên kết với công ty, không chỉ được bao tiêu đầu ra nông sản mà chúng tôi còn được hỗ trợ về phân bón, thuốc, giống và chi phí thu hoạch”.
Được biết, để có được giá thành, lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài, các thành viên phải cam kết sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo quy trình, hướng dẫn của HTX và công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết.
Mở rộng vùng trồng tiêu chuẩn GlobalGAP
Một ví dụ khác về vai trò của HTX trong việc đưa ra các giải pháp bền vững, hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức). HTX thành lập năm 2014 và là một trong những đơn vị điển hình về sản xuất chanh không hạt. HTX hiện có 15 thành viên, diện tích vùng trồng 30ha. Chanh không hạt Bến Lức nổi tiếng với quả chắc, tuyến múi dày, vỏ xanh đậm, sáng bóng, đều màu, bề mặt chứa nhiều túi tinh dầu. Loại chanh này không chỉ nổi danh nhờ quy mô và giá trị xuất khẩu mà còn qua các giải thưởng danh giá.
Trước đây, nông dân chủ yếu trồng khóm và mía nhưng giá bán bấp bênh. Khi phát hiện cây chanh phù hợp thổ nhưỡng, người dân bắt đầu chuyển đổi sang loại cây này. Nhờ đầu ra ổn định và giá cả tốt, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Các vùng trồng chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được xuất khẩu sang châu Âu, trong khi sản lượng còn lại phục vụ thị trường nội địa và các thị trường khác.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa - Đặng Văn Phải cho biết: “Vườn chanh của tôi được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên được ký hợp đồng với công ty thu mua, giá bán ổn định ở mức 15.000-20.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi có lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng/ha/năm, tùy vào độ tuổi cây và giá cả”.
Thông qua câu chuyện của 3 HTX trên đều cho thấy vai trò quan trọng của HTX trong việc tập hợp sức mạnh của người nông dân, giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó góp phần hiệu quả vào công tác xóa đói giảm nghèo và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Long An.
Nhưng cũng phải nhìn vào thực tế, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, công tác phát triển HTX và vai trò của HTX trong xóa đói giảm nghèo ở Long An vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Vẫn còn một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, năng lực quản lý còn hạn chế, khả năng tiếp cận vốn và công nghệ cao còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc nhân rộng các mô hình HTX thành công và khuyến khích sự tham gia của người dân vào HTX cũng là một thách thức không nhỏ.
Cần những giải pháp đồng bộ để nhân rộng mô hình
Theo Liên minh HTX tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 253 HTX nông nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 209,9 tỉ đồng. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình kinh tế tập thể.
Theo đó, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và tổng hợp. Trong đó, HTX trồng trọt chiếm tỷ lệ lớn nhất với 162 HTX. Tuy nhiên, kết quả đánh giá, xếp loại cho thấy hiệu quả hoạt động của các HTX còn chưa đồng đều, chỉ có 27 HTX được xếp loại tốt, chiếm 16,5% tổng số HTX được đánh giá.
![]() |
Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đang được các HTX Nông nghiệp ở Long An phát huy hiệu quả, đem lại sức sống mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ảnh BLA |
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Long An đã có nhiều hỗ trợ để các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, thông qua nhiều hoạt động cụ thể như đào tạo, hỗ trợ giống, kỹ thuật, kết nối chuỗi… Đơn cử, giữa tháng 2 vừa qua Liên minh HTX tỉnh Long An tổ chức Hội nghị ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty Chơn Chính về việc bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm cho các HTX trên địa bàn tỉnh.
Đây có thể xem là bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của kinh tế tập thể và HTX trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa thương phẩm của các HTX; đồng thời, tạo mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các bên.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh - Trần Hoài Bảo cho biết, các HTX bước đầu thực hiện được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.
Để tiếp tục phát huy vai trò "xương sống" của HTX trong phát triển nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo bền vững, Long An cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và lợi ích của việc tham gia HTX. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của HTX.
Đặc biệt, cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành cho cán bộ HTX thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu. Khuyến khích sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các đối tác khác để tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi và các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng đóng vai trò then chốt.
Nhờ sự chung tay của khu vực KTTT, HTX mà tỷ lệ giảm nghèo ở Long An đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Cụ thể, sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025), tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nếu như đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 0,97%, thì đến cuối năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 2.692 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,56% và 7.358 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,52%. Tỉnh chú trọng vào việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hợp tác với doanh nghiệp và HTX. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,66%, hộ cận nghèo còn 0,56%, các lao động qua đào tạo đạt trên 90%. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền và người dân tỉnh Long An trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Quốc Anh