Từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, Sông Hinh nay được gọi là “miền đất hứa” của tỉnh. Nhiều diện tích cây lương thực kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi, thu nhập có nơi đạt tới 500 triệu đồng/ha.
Khẳng định giá trị
Những năm gần đây, cùng với quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Sông Hinh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có múi như bưởi da xanh, cam sành…
![]() |
Các loại cây có múi đang cho giá trị cao ở Sông Hinh nhờ sản xuất khoa học (Ảnh TL). |
Ông Nguyễn Vĩnh Tiến, thành viên Tổ hợp tác trồng trọt hữu cơ xã Sơn Giang cho biết, trước đây, gia đình ông trồng sắn và nhiều loại cây lương thực khác nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, bởi đất dốc, nhiều sỏi, nguồn nước tưới hạn chế.
Sau khi vào Tổ hợp tác, ông Tiến được tập huấn kỹ thuật, tổ chức đi tham quan các mô hình sản xuất điểm ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, từ đó tự tin chuyển đổi toàn bộ diện tích gần 1ha cây lương thực sang trồng cây có múi theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường.
Theo ông Tiến, để đầu tư 1ha trồng cây cam sành, bưởi da xanh, gia đình ông đã đầu tư gần 500 triệu đồng cho các khoản mua cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Ứng dụng sản xuất VietGAP với sự đồng hành của Tổ hợp tác, ông Tiến chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ để bón lót và bón thúc cho cây, các loại thuốc bảo vệ thực vật được tuyển chọn kỹ lưỡng theo danh mục cho phép.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng luôn phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, ghi nhật ký nông vụ, với nguyên tắc đúng và đủ, tránh lạm dụng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Để đảm bảo nguồn nước tưới, ông Tiến đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống máy tưới công suất lớn để vừa đảm bảo việc tưới tiêu, vừa tránh lãng phí nguồn nước, ứng phó tác động của hạn hán, biến đổi khí hậu.
Nhờ sản xuất khoa học, kể từ năm 2018 đến nay, hơn 1 ha trồng bưởi da xanh và cam sành của gia đình ông Tiến luôn phát triển ổn định, cho thu hoạch 15 tấn quả/năm. Với giá bán sỉ dao động 20.000 - 25.000 đồng/kg tại vườn, gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng cây có múi của gia đình ông Tiến không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn tạo việc làm cho 3 - 5 lao động tại địa phương, với thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển bền vững
Tương tự, ông Nguyễn Thành Cung, xã Ea Bá, đang trồng 200 gốc bưởi da xanh, 100 gốc cam sành, cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Cung cho biết, địa hình đất đồi ở Sông Hinh rất thích hợp để trồng cây có múi, bởi đây là loại cây ưa ẩm ướt nhưng tuyệt đối không được úng nước vì sẽ làm rễ cây bị thối.
![]() |
Để phát triển bền vững, huyện Sông Hinh sẽ đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, kiểm soát việc mở rộng diện tích (Ảnh TL). |
Vì vậy, khi được trồng trên các sườn đồi có độ dốc thoải, có sự thoát nước tốt, cây có múi như bưởi, cam luôn có bộ dễ khỏe, cho năng suất, chất lượng quả cao.
Đáng chú ý, vào đầu năm 2021, sản phẩm cam sành, cam V2, bưởi da xanh của hộ kinh doanh Võ Minh Tuấn, thị trấn Hai Riêng đã được trao giấy chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Yên năm 2020, sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp truy xuất nguồn gốc, sản phẩm bưởi da xanh và cam ở Sông Hinh đang được thị trường ưa chuộng.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên tiếp tục cung ứng giống cam sành, bưởi da xanh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc để người dân mở rộng diện tích, nâng cao giá trị sản xuất.
Huyện chủ trương nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ cho người nông dân. Huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, công tác xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sẽ được tích cực triển khai, với việc hoàn thiện bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, kết nối đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm uy tín để tăng tính nhận diện…
Hưng Nguyên