Là một thôn vùng cao xa xôi, hẻo lánh,với thời tiết ôn hòa, quanh năm mát mẻ, được ví như là Sa Pa thu nhỏ của vùng Đông Bắc, Bình Liêu được coi là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp và khai thác du lịch nhất của tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với sự ủng hộ của chính quyền và lợi thế của khí hậu, tháng 5/2019, anh Nguyễn Thanh Hải từ TP Hạ Long đã ấp ủ và quyết tâm thành lập HTX hoa Bình Liêu. Hiện tại, đây là HTX đi đầu trong việc áp dụng mô hình trồng hoa với quy mô lớn để cung ứng cho thị trường, cũng như tạo điểm tham quan du lịch trải nghiệm trên địa bàn.
Nhờ sự tâm huyết, đam mê của anh Nguyễn Thanh Hải, hàng trăm loài hoa bản địa, hoa nhập khẩu nhanh chóng tươi tốt, nở hoa khoe sắc trên những thửa ruộng bậc thang, giữa điệp trùng đồi núi Cao Sơn. Đây được coi là vườn hoa độc đáo nằm ở độ cao nhất tỉnh, trở thành điểm đến thưởng lãm cảnh quan, sinh thái của Bình Liêu.
![]() |
Anh Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm HTX Hoa Bình Liêu |
Mô hình trồng hoa của HTX Hoa Bình Liêu được áp dụng trên diện tích 18.000m2, với hàng nghìn giống hoa, cây cảnh các loại; đầu tư quy mô kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng mới. HTX Hoa Bình Liêu không chỉ cung ứng sản phẩm trên địa bàn, mà cho cả chợ đầu mối lớn nhất của miền Bắc là Hưng Yên. Như làn gió mới trên vùng cao Bình Liêu, HTX này nhanh chóng thành điểm đến của nhiều du khách; bà con dân tộc thiểu số tham gia làm việc, liên kết mạng lưới cung cấp dịch vụ như ăn uống, đón khách, thu nhập của không ít hộ gia đình nhờ đó được cải thiện.
Anh Hải chia sẻ: "Với sự ủng hộ của chính quyền, cộng đồng, HTX đang hoạt động khá tốt. Với đà này, chúng tôi sẽ cố gắng đưa Cao Sơn thành nơi cung ứng hoa, cây giống hàng đầu, xây dựng cho Bình Liêu sản phẩm du lịch mới, bền vững".
Không chỉ là nguồn cung ứng hoa, cây giống cho thị trường lớn nhất trên địa bàn Bình Liêu, HTX hoa Bình Liêu còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người dân, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, bà con quanh Cao Sơn rất phấn khởi, vui mừng, hỗ trợ để HTX vận hành, phát triển.
Để khuyến khích người dân áp dụng các mô hình canh tác mới, hiệu quả, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tìm hiểu, triển khai thí điểm áp dụng các giống cây trồng mới phù hợp trên địa bàn.
Theo bà Lê Thị Thu Hương - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Liêu, các mô hình đều được chú trọng đưa đến các xã vùng sâu, vùng xa để bà con tiếp cận với những giống mới, năng suất hơn, từng bước xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu và loại bỏ giống cây không mang lại năng suất cao. "Áp dụng khoa học - công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống, biện pháp canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến; tạo sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị và năng suất canh tác, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân là mục tiêu của địa phương", bà Hương nói.
![]() |
Du khách say mê với các giống hoa đẹp đua nở, khoe sắc quanh năm... |
Từ năm 2014 đến nay, huyện Bình Liêu đã tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của một huyện miền núi, biên giới và dân tộc có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch, nhằm tạo ra một hướng đi mới, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo đó, lãnh đạo huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư dự án du lịch trên địa bàn. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã hiện diện, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch dự án hoạt động, ngoài dự án trồng hoa của HTX hoa Bình Liêu đang trong quá trình liên kết với người dân triển khai; dự án nuôi cá nước lạnh của HTX nuôi trồng thủy sản Đông Bắc tại Khe Tiền, xã Đồng Văn dù không phải là điểm du lịch nhưng rất thu hút khách tham quan còn có CTCP Du lịch Sen Á Đông đang nghiên cứu, thực hiện dự án Khu du lịch cộng đồng Lục Hồn, dự án du lịch sinh thái thác Khe Vằn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Long Hải JSC…
Đến nay, du lịch Bình Liêu đã được định hình trên bản đồ của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, từng bước hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Thời gian tới, Bình Liêu sẽ chủ động, tập trung triển khai đầu tư thêm làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; tiếp tục nghiên cứu triển khai làng văn hóa dân tộc Dao tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn; bản Khe O, Bản Cao Thắng xã Lục Hồn; bản Nà Nhái, xã Vô Ngại; làng văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại bản Lục Ngù, xã Húc Động. Đặc biệt, sẽ khuyến khích người dân đầu tư vào các ngành, nghề liên quan đến phát triển du lịch, khuyến khích cộng đồng dân cư trên địa bàn phát triển các sản phẩm du lịch, coi trọng việc thực hiện các dự án nhỏ như dịch vụ lưu trú, dịch vụ hướng dẫn và các dịch vụ khác…
Nhật Nam