Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành nghề chính là: nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, nghề thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Các làng nghề nông thôn của tỉnh đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Hiện tại các hoạt động của làng nghề đang duy trì việc làm cho trên 15.000 lao động, tạo ra thu nhập gần 1.300 tỷ đồng mỗi năm.
Bất cập nhất là quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún; nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế. Sản phẩm của làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Sự liên kết các cơ sở trong làng nghề còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội tiêu. Không những vậy ô nhiễm môi trường làng nghề là vấn đề đang trở nên bức xúc.
![]() |
Mì gạo của HTX mì gạo Hùng Lô ngày càng được khách hàng tin dùng |
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, tại một số làng nghề đã hình thành mô hình HTX nhằm tập trung các nguồn lực về vốn, con người, kiến thức kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm của làng nghề. Toàn tỉnh, hiện có 12 HTX phát triển từ nền tảng của làng nghề, sản phẩm đã được tạo lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giúp cho hoạt động kinh doanh sản phẩm của làng nghề được tốt hơn. Các sản phẩm như: mì gạo (HTX mì gạo Hùng Lô, Việt Trì), tương (HTX tương Dục Mỹ, Lâm Thao), chè xanh (HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, Phú Thọ), cá chép đỏ (HTX cá chép đỏ Thủy Trầm, Cẩm Khê) ngày càng khẳng định giá trị, thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình làm nghề mì gạo, tương đều được các hội, đoàn thể tuyên truyền vận động xây dựng hầm biogas đạt chuẩn, toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất được thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường. Nhờ vậy, nhiều năm nay, cống rãnh trong làng không bị bốc mùi hôi, chua hoặc ngập úng cục bộ.
Các HTX phát triển ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của làng nghề, được củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Thông qua hoạt động của HTX nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất và đã hình thành được một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế hộ trong làng nghề phát triển và bảo vệ môi trường.
Đối với những hộ tại làng nghề sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, từ khi tham gia HTX, luôn nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong tỉnh trong định hướng phát triển; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; hỗ trợ máy móc, trang bị, vốn để HTX cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo lập nhãn hiệu tập thể, dán tem truy suất nguồn gốc. Qua đó, thành viên tham gia HTX có thêm các cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, sản phẩm chè xanh của thành viên HTX có giá bán cao gấp 3 lần so với trước khi vào HTX, bình quân từ 250.000 – 300.000 đồng/kg; doanh thu của HTX năm 2018, đạt 1.350 triệu đồng, dự kiến năm 2019 tiếp tục tăng lên 1.950 triệu đồng tăng gấp 22 lần so với khi mới thành lập năm 2016.
Hiện nay, làng nghề không phải là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân nên rất hạn chế trong các giao dịch thương mại với các pháp nhân khác, thì HTX có đầy đủ tư cách pháp nhân để tham gia các hoạt động giao dịch, ký kết hợp đồng, tạo tập nhãn hiệu. HTX mì gạo Hùng Lô được thành lập dựa trên nền tảng làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết với ngành nghề sản xuất kinh doanh mì gạo, bún khô, phở khô, kế thừa kinh nghiệm sản xuất truyền thống, cùng với việc đầu tư máy móc thay thế, giảm dần lao động thủ công, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm đồng đều. Nhờ có tư cách pháp nhân, HTX mì gạo Hùng Lô đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với hệ thống siêu thị lớn trong nước như BigC, Vinmart, Aloha, mở rộng được thị trường ra khắp cả nước và đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Công hòa Séc. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 tấn mì gạo, doanh thu 8 tỷ đồng/năm. HTX hoạt động có hiệu quả đã giúp giải quyết việc làm ổn định thường xuyên cho 25 lao động của địa phương với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực song trên địa bàn huyện vẫn còn một số làng nghề phát triển nóng, chưa chú trọng tới bảo vệ môi trường cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ việc giữ gìn môi trường sống chính là cách phát triển làng nghề hưng thịnh và bền vững… Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các làng nghề về mặt bằng, hạ tầng, công tác xử lý môi trường. Các xã, thị trấn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục tạo chuyển biến mạnh và bền vững về giữ gìn môi trường sống trong lành, sạch đẹp.
Phát triển HTX trong làng nghề là nhu cầu tất yếu giải quyết những khó khăn làng nghề đang gặp phải, hướng tới giữ gìn và phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết vấn đề về đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, vận dụng các chính sách về vốn và xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu vào và đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định để làng nghề phát triển hiệu quả.
Nhật Nam