Huyện Tiên Phước có diện tích trồng cau khá lớn, hằng năm người dân thu về hàng tỷ đồng từ bán quả cau tươi, nhưng trước đây chưa ai thu lợi từ mo cau. Người dân coi mo cau là thứ bỏ đi nên thường thu gom lại và đốt, gây ô nhiễm môi trường không khí.
Từ phế phẩm thành sản phẩm hữu dụng
Trước thực tế trên, các thành viên HTX Quảng Nam đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ mo cau để sản xuất ra các sản phẩm như chén, dĩa, muỗng, tô, ly...
Vì Việt Nam chưa chú trọng sản xuất các sản phẩm này nên máy móc đạt chuẩn chưa có, HTX phải nhập khẩu từ Ấn Độ. Để bảo đảm quy trình, HTX đầu tư 2 máy ép, máy khử khuẩn, máy lau chùi vệ sinh, máy đóng gói hút chân không với kinh phí gần 500 triệu đồng. Trung bình mỗi máy cho ra khoảng 1.000 sản phẩm/tháng.
Bà con địa phương thường coi mo cau như phế phẩm nên thường không giữ lại. Tuy nhiên, khi HTX đặt vấn đề mua thì có người nghi ngờ vì không biết HTX mua về làm gì? Để bảo đảm nguyên liệu và khẳng định lòng tin của người dân, tất cả những hộ liên hệ mua mo cau, HTX đều đặt tiền trước.
![]() |
Mo cau được đưa vào máy ép để tạo hình sản phẩm. |
Nguyên liệu mo cau để làm ra các sản phẩm phải đạt yêu cầu không mốc, không rách. Nếu mo cau kích cỡ nhỏ thì phục vụ sản xuất những sản phẩm có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc HTX, khi sản xuất thương mại, mo cau có bề rộng trên 20cm trở lên mới có giá trị kinh tế cao.
Mo cau tự nhiên được thu gom về rửa sạch, phơi khô, ép ở nhiệt độ cao để cho ra đời các sản phẩm thích hợp. Trong quá trình sản xuất, HTX không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đây là sản phẩm độc đáo dành cho khách hàng yêu thiên nhiên.
“Sản phẩm được xử lý bằng hơi nước rồi ép dưới áp suất cao mà không cần đến bất cứ chất hóa học nào như nhựa polyme hay sơn màu. Các loại bát đĩa, thìa dĩa này đều dễ phân hủy, thân thiện với môi trường, thậm chí có thể sử dụng cả trong lò vi sóng. Người dùng có thể sử dụng nhiều lần nếu giữ gìn, làm sạch và lau khô”, chị Phan Vũ Hoài Vui, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết.
Góp phần bảo vệ môi trường
Mỗi chiếc mo cau có vân tự nhiên khác nhau nên mỗi sản phẩm làm ra trở nên độc đáo và độc nhất. Mo cau tự nhiên có lớp chống thấm gần như hoàn hảo nên không phải tác động thêm hóa chất. Có lẽ những nét độc đáo này đã mang lại sức hút đối với khách hàng trong và ngoài nước.
Sản phẩm được đóng gói bằng màng co kèm theo túi hút ẩm, rồi đóng thùng carton để đưa ra thị trường. HTX cũng sản xuất đa dạng các sản phẩm và đến nay có 10 mẫu gồm: khay, dĩa, muỗng, tô, thìa, đĩa vuông, đĩa tròn, khay ăn dặm… với các kích thước khác nhau. Trong tương lai, HTX dự định sản xuất thêm nhiều sản phẩm nữa để đa dạng đối tượng khách hàng.
Sản phẩm bán lẻ với giá khá phù hợp: muỗng mo cau từ 1.300 - 1.500 đồng/cái (gói 20 cái); chén từ 2.600 - 3.000 đồng/cái (gói 10 cái); đĩa nhiều loại có cả hình vuông, tròn, hình chữ nhật từ 5.000 - 6.000 đồng/cái (gói 10 cái); khay cơm 7.500 đồng/cái (gói 10 cái).
![]() |
Sản phẩm từ mo cau có giá cả phải chăng nhưng thân thiện môi trường. |
Hiện, ngoài tiêu thụ nhỏ lẻ, HTX đã liên kết được với một số khách sạn, nhà hàng để tiêu thụ sản phẩm. Theo các thành viên, khi các sản phẩm từ mo cau được đưa ra thị trường, người tiêu dùng dần dần sẽ thay đổi thói quen sử dụng các loại chén nhựa, ly nhựa, hộp xốp dùng một lần. Đây đang là vấn nạn đối với môi trường mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng".
Tiên Phước xưa nay là "thủ phủ" của cây cau. Đây chính là nguồn cung cấp nguyên liệu chính nên HTX có nhiều lợi thế để có thể giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX còn sử dụng nguồn lao động tại địa phương nên bảo đảm năng suất.
Tuy nhiên, cây cau chỉ cho thu hoạch mo vào thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, nên xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu. Để giải quyết vấn đề này, HTX đang lên kế hoạch cùng bà con mở rộng diện tích trồng cau hoặc thuê đất của địa phương để tự trồng. Song song đó là đẩy mạnh thu mua từ các tỉnh, thành khác và đa dạng nguyên liệu như mo dừa hay cành lá cây cọ để đảm bảo đầu vào.
Tùng Lâm