Sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, số lượng HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tăng nhanh, nhưng nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, thậm chí phải giải thể.
Hạn chế, yếu kém phổ biến
Là mô hình HTX kiểu mới triển vọng, HTX TM&DV nông nghiệp Dương Phong (xã Dương Phong, huyện Bạch Thông) được thành lập cuối năm 2017, thành viên phần lớn là những thanh niên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp nhưng chưa xin được việc làm.
Với phương án kinh doanh khả thi và nguồn nhân lực có trình độ khá, HTX vừa được tỉnh lựa chọn là 1 trong 4 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2018 - 2020.
Tương tự như vậy, HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới) là một trong những HTX tiên phong ứng dụng tiến bộ KH-CN mới vào sản xuất. Mạnh dạn thay đổi phương thức SX-KD cùng với sự năng động trong liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên các sản phẩm “xanh, sạch, an toàn” của HTX được tiêu thụ nhanh chóng, trở thành mô hình điển hình tại địa phương.
Trái ngược lại, mới đây có 3 HTX kiểu mới tại huyện Bạch Thông tuyên bố ngừng hoạt động. Đáng nói, đây đều là những HTX từng được kỳ vọng là tiêu biểu cho mô hình HTX kiểu mới và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh.
Với những lý do khác nhau dẫn đến việc xin tạm dừng song thực tế cho thấy các HTX nêu trên chỉ thực hiện các dịch vụ đầu vào, chưa thay đổi phương thức sản xuất, dẫn đến bị động trong SX-KD. Điều này cho thấy cách thức vận hành và trình độ quản lý, quản trị nhân lực của những HTX này còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đây cũng là thực trạng phổ biến tại nhiều HTX kiểu mới của tỉnh hiện nay.
Tại tỉnh Bắc Kạn, số cán bộ quản lý ở các HTX có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 9,4% tổng số cán bộ quản ý hiện có; số cán bộ quản lý HTX có trình độ trung cấp, sơ cấp là 16%; số cán bộ quản lý HTX chưa qua đào tạo chiếm trên 74,5%.
![]() |
Trồng cam, quýt tại HTX Dương Phong |
Nhân lực là nhân tố quan trọng
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, trình độ nghiệp vụ quản lý HTX là một trong những hạn chế, bất cập trong nội tại các HTX kiểu mới của tỉnh. Hầu hết những người giữ vai trò quản trị cơ bản chưa qua đào tạo, được các thành viên bình bầu nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của HTX.
Mặt khác do thu nhập đối với cán bộ HTX thấp, chưa có chế độ chính sách lâu dài đã làm giảm động lực của bộ máy quản lý cũng như chưa thu hút người có năng lực, trình độ tham gia vào HTX.
Nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là đối với các HTX nông nghiệp là nhân tố quan trọng để ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, điều hành và sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động SX-KD của HTX. Việc thí điểm đưa cán bộ về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp cũng đã được triển khai theo Quyết định số 1075/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh.
Mục đích là nhằm hỗ trợ về lao động có trình độ để quản trị, áp dụng tiến KH-KT vào SX-KD phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính của HTX, tạo đòn bẩy nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho KTTT. Tuy nhiên, mới chỉ có một số HTX thí điểm.
Nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho HTX được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển KTTT của tỉnh thời gian tới.
Dự kiến trong năm 2018, tỉnh sẽ tổ chức 5 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ HTX với nội dung như: Quản lý tài chính; mô hình HTX; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong chăn nuôi; chuyển giao KH-KT trong chăn nuôi trồng trọt...
Lê Trang