Thành lập từ năm 1957, chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ tháng 11/2014, đến nay, HTX Nhân Lý đang hoạt động với quy mô liên thôn, gồm 6 tổ sản xuất với 623 hộ và 2.460 thành viên, cung cấp các dịch vụ về khuyến nông, giống cây trồng, chuyển giao KH-KT, tiêu thụ sản phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Nâng tầm công nghệ
Hiện tại, HTX Nhân Lý có tổng tài sản cố định xấp xỉ 1,7 tỷ đồng, diện tích canh tác trên 147ha. Cây trồng chủ đạo của HTX trong năm là 2 vụ lúa hàng hóa và 1 vụ cây đông gồm cây ngô nếp, ngô ngọt, cây ngô biến đổi gen; khoai tây, ớt, bí đỏ, hoa cúc, hoa hồng.
Để phát huy hiệu quả sản xuất, HTX chủ động tổ chức sản xuất theo đúng khung lịch thời vụ, đưa mô hình cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thâm canh 2 vụ lúa, 1 vụ cây đông/năm, phát triển sản xuất hàng hóa, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Xác định việc áp dụng KH-KT vào sản xuất là cơ sở để HTX phát triển mạnh và bền vững, thời gian qua, HTX đưa nhanh các tiến bộ KH-KT vào sản xuất. HTX có 35 mô hình áp dụng tiến bộ KH-KT từ năm 2013 đến nay.
Nhờ áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất lúa đạt bình quân 5,4 - 6,1 tấn/ ha, năng suất ngô đạt 4,5 - 4,7tấn/ha; diện tích gieo trồng đỗ tương130 ha/vụ. Với giá trị kinh tế tăng rõ rệt, thành viên tin tưởng, phấn khởi yên tâm sản xuất, gieo trồng 100% diện tích.
![]() |
Thành viên HTX được tập huấn thường xuyên để xử dụng máy móc, thiết bị sản xuất an toàn
Nâng cao tay nghề
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc vào sản xuất góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, đem lại hiệu quả vượt bậc. Tuy nhiên, mặt trái về nguy cơ tai nạn, đe dọa sức khỏe, tính mạng người lao động bắt đầu nảy sinh.
Ông Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc HTX, cho biết trong thời kỳ đầu phát triển sản xuất, HTX mạnh dạn cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, sản xuất đến thu hoạch.
Các thành viên HTX được trang bị hàng chục máy nông nghiệp các loại, trong đó có những loại máy hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng máy đa phần do các thành viên tự truyền dạy cho nhau, chưa được đào tạo, nảy sinh nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Để khắc phục thực trạng trên, ban quản trị HTX đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp. “Hàng năm, HTX đều phối hợp với các cấp Hội Nông dân mở lớp tập huấn công tác VSATLĐ và sử dụng máy móc nông nghiệp cho thành viên HTX.
Tăng cường giám sát hoạt động sản xuất, nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ của các thành viên”, ông Tâm chia sẻ.
Bên cạnh công tác đào tạo, tập huấn phương thức sử dụng, sửa chữa máy móc, thiết bị trong sản xuất, giúp các thành viên biết vận dụng các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX còn tăng cường tập huấn các kiến thức về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng; sử dụng phân bón cân đối để trồng rau an toàn; nhận biết được sâu bệnh trên đồng ruộng và kịp thời xử lý…
Nhờ những chiến lược phát triển toàn diện từ phát triển sản xuất đến nâng cao trình độ nguồn nhân lực, HTX Nhân Lý đã có những bước chuyển mình tích cực, không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, HTX còn là điển hình cho mô hình sản xuất an toàn cho người lao động.
Hưng Nguyên