Đến nay, Vĩnh Phúc có 2 huyện là Yên Lạc và Bình Xuyên đã đạt chuẩn NTM. TP Vĩnh Yên và thị trấn Phúc Yên đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM.
Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Phúc đang bước sang giai đoạn mới, hướng vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện từng tiêu chí.
Bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết để phát triển NTM, tỉnh đã thành lập nhiều nhóm nòng cốt với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng các tiêu chí NTM. Sau khi xã đạt chuẩn NTM, nhóm nòng cốt tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ, duy trì có hiệu quả các tiêu chí đó.
![]() |
NTM tỉnh Vĩnh Phúc đang bước sang giai đoạn mới, hướng vào chiều sâu, nâng cao chất lượng |
Kết quả, từ 83 mô hình điểm nhóm nòng cốt, đến nay mô hình này đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình như các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương đã xây dựng được 100% nhóm nòng cốt tại các khu dân cư.
Trong 2 năm qua, các nhóm nòng cốt đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia hiến hơn 900.000m2 đất, góp hơn 250.000 ngày công lao động và hơn 422 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh nhân rộng các nhóm nòng cốt, phát triển HTX kiểu mới đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Toàn tỉnh hiện có 600 HTX, trong đó có 237 HTX nông nghiệp (chiếm 39,5%) và 363 HTX phi nông nghiệp (60,5%).
Để giữ vững ổn định, tăng hiệu quả hoạt động, Liên minh HTX tỉnh đã xác định rõ những nhiệm vụ trong thời gian tới và đặt ra những mục tiêu cụ thể, như tăng trưởng bình quân doanh thu của các HTX 7 - 8%; đến năm 2022, tỷ lệ HTX khá, giỏi đạt 40%, trung bình 55%, HTX yếu kém còn 5%.
Nhật Minh