Với tiềm năng, lợi thế có vùng đất bãi ven sông Đáy phù hợp với trồng rau màu, HTX Chúc Sơn đã được UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (RAT) tập trung trên diện tích 62,5 ha, trong đó 10ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, HTX còn hướng đến liên kết với doanh nghiệp tạo sản phẩm rau an toàn, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng.
Sản xuất rau xanh, sạch môi trường
Trao đổi với VnBusiness, ông Đào Xuân Minh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn cho biết, năm 2013, được sự hỗ trợ của Thành phố và huyện Chương Mỹ, HTX đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, sơ chế rau an toàn bao gồm: nhà sơ chế, hệ thống điện, kênh mương, đường giao thông… Đây là điều kiện thuận lợi để HTX Chúc Sơn phát triển sản xuất rau an toàn với quy mô lớn.
![]() |
Mô hình trồng rau an toàn HTX Chúc Sơn cho năng suất cao, bảo vệ môi trường. |
Cũng theo ông Minh, những năm qua HTX đã giúp bà con đưa những tiến bộ mới vào canh tác rau an toàn như: IPM, SRI, FFS... Đồng thời, tăng cường xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh áp dụng PGS... góp phần giúp địa phương giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất.
Tại vùng sản xuất rau sạch và an toàn của HTX Chúc Sơn, thay vì sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV, các thành viên tận dụng phế phẩm nông nghiệp ủ thành phân tạo giá trị dinh dưỡng hữu cơ, bảo vệ môi trường đất, hạn chế thải độc hại ra môi trường…
Ông Vũ Văn Cát (tổ Bình Sơn, thị trấn Chúc Sơn) - thành viên trồng rau của HTX cho biết: “Sau khi các phế phẩm từ rau, củ được loại bỏ, chúng tôi sẽ mang về ủ liên tục trong vòng từ 20 - 30 ngày. Cách làm này đã được tôi áp dụng hơn 10 năm nay, đều cho hiệu quả rõ rệt. So với các loại phân khác, phân hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội như không làm hư chất đất, tạo độ tơi xốp, tăng độ phì nhiêu, tiết kiệm được lượng phân bón lớn trong quá trình canh tác, bảo vệ môi trường”.
Những năm qua, HTX đã phối hợp cùng Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông, Chi cục phát triển nông thôn, Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp của Huyện xây dựng mô hình sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các đơn vị đã vận động, tuyên truyền bà con thực hiện các nội dung như: bỏ giống cũ năng suất kém, không để giống qua nhiều vụ, sử dụng thuốc BVTV hợp lý, quản lý đầu vào các loại phân bón, ghi sổ nhật ký đồng ruộng...
Bên cạnh đó, HTX thường xuyên mở các lớp tập huấn cho hơn 500 nông dân các nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm, thử nghiệm giống mới có năng suất cao, dùng phân ủ hạn chế mầm bệnh, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường… Những hoạt động này góp phần tăng thu nhập cho các thành viên, xây dựng trách nhiệm làm ăn tập thể.
Thu nhập 1 vụ rau bằng 3 vụ lúa
Đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn có 542 thành viên, sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX đã phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 80 tấn rau/năm với đa dạng các loại rau từ rau ăn lá, rau ăn củ, đến các loại rau gia vị. Năng suất rau bình quân đạt 495 tạ/ha/năm, giá trị thu nhập trên 1 ha đạt từ 650 - 700 triệu đồng/năm.
![]() |
Hoạt động thăm quan, mua bán tại cửa hàng giới thiệu, phân phối rau, củ, quả và thực phẩm an toàn theo chuỗi của HTX. |
Gặp gỡ thành viên tham gia mô hình VietGAP của HTX, bà Mạc Thị Hoài (tổ Bắc Sơn, thị trấn Chúc Sơn) phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi tham gia HTX từ những ngày đầu thành lập, đến nay tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ chính mảnh đất của mình. Đặc biệt là trồng rau VietGAP, thu nhập 1 vụ lãi bằng 3 vụ lúa”.
Người xưa có câu “trăm hay không bằng tay quen” nên kỹ thuật trồng rau VietGAP với bà Hoài giờ đây đã trở thành kỹ năng. Bà chỉ cần nhẩm tính thời gian và đứng quan sát là biết ruộng rau đang mắc bệnh gì và chu kỳ phát triển của từng loại bệnh gây hại ra sao, cũng như cách phòng, trị hiệu quả.
Theo đánh giá của ông Đào Xuân Minh, diện tích rau an toàn và VietGAP của HTX đều cho năng suất tăng từ 30-50% so với sản xuất thông thường. Sản phẩm rau an toàn của HTX Chúc Sơn đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường huyện Chương Mỹ và là đơn vị cung cấp uy tín cho một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể.
Song song với sản xuất rau, củ quả các loại theo phương thức “mùa nào thức ấy” HTX Chúc Sơn còn triển khai sản xuất 2 vụ lúa chính, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh các giống lúa mới, biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên.
Nhằm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, nâng cao giá trị trong nông nghiệp, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ và tập trung lên kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
Đặc biệt, với mong muốn giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Chương Mỹ được sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng có truy xuất nguồn gốc. Năm 2018, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn đã mở cửa hàng giới thiệu và phân phối các sản phẩm rau, củ, quả, thực phẩm an toàn tại khu vực chợ thị trấn Chúc Sơn.
“Thời gian tới, để tiếp tục lan tỏa hiệu quả các mô hình sản xuất an toàn, HTX tích cực vận động hộ dân trong khu, vùng sản xuất nông nghiệp quy hoạch hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng chung, tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để áp dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động rà soát các quy hoạch về nông nghiệp để đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế, thu hút nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất”, ông Minh nói.
Tô Thương