HTX Yên Mỹ có hơn 80 ha rau màu, tập trung sản xuất súp lơ, cải bắp, su hào, cà chua…; trong đó hơn 35 ha được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường từ 18-20 tấn rau các loại.
Thay đổi tư duy canh tác
Đến với vùng đất Yên Mỹ, không khỏi ngỡ ngàng từ một làng quê xưa vốn nghèo, nay đã mọc lên những ngôi nhà khang trang. Bao quanh xóm làng là mô hình sản xuất rau an toàn được bà con nông dân nơi đây chú trọng.
![]() |
Mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP của HTX nông nghiệp Yên Mỹ. |
Sau hơn 10 năm tiên phong sản xuất rau an toàn theo phương pháp VietGAP, HTX Yên Mỹ đã mở rộng diện tích lên 80 ha, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội từ 600-700 tấn rau sạch mỗi năm.
Theo đánh giá của ông Trần Đức Vinh, Giám đốc HTX Yên Mỹ, trước đây sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ dẫn tới thu nhập không ổn định. HTX ra đời với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất trong nông nghiệp, hỗ trợ người dân tiếp cận với phương pháp sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Từ tháng 1/2010, Yên Mỹ được chọn thí điểm thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn thuộc Dự án “Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm” do Canada hỗ trợ. Mô hình này mang lại nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho nông dân”, ông Vinh chia sẻ.
Tại đây, tổ công tác của dự án phối hợp với các chuyên gia kỹ thuật tiến hành các lớp đào tạo, tập huấn. Cụ thể, đã tổ chức 4 lớp tập huấn về thực hành sản xuất tốt (GAP) trong sản xuất rau, 2 lớp thực hành GAP trong sơ chế, vận chuyển và kinh doanh rau. Vì vậy, ý thức về đảm bảo an toàn trong sản xuất rau của người dân đã được nâng lên.
Thời gian đầu, khi mô hình mới được tiếp cận, khó khăn không chỉ riêng HTX mà trực tiếp là bà con nông dân trồng trọt theo tập quán cũ thay đổi tư duy canh tác.
Bài toán đầu tiên cho những hộ gia đình tham gia HTX là phải thử xem hiệu quả của việc cải tạo môi trường đất. Vụ đầu, năng suất giảm hẳn so với canh tác thường, người trồng rau sạch thu nhập thấp, thậm chí không có nguồn thu vì thiếu đầu ra.
Không bỏ cuộc, HTX đã chủ động tìm kiếm đầu ra và lên kế hoạch sản xuất cho các thành viên. Tính từ năm 2007 đến nay đã có 100 thành viên liên kết, là các đơn vị cung ứng vật tư, nông dân, HTX, doanh nghiệp tiêu thụ.
Bà Phạm Thị Nhã (thôn 2, xã Yên Mỹ) trồng rau HTX đã 7 năm nay với 5 sào đủ loại như: su hào, bắp cải, cà chua, đậu đỗ… chia sẻ: “Vốn là người nông dân quen với việc canh tác thường, phải thừa nhận mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP mới đưa vào, chúng tôi rất bỡ ngỡ. Nhưng khi được tập huấn, học và thực hành bởi những kỹ sư nông nghiệp giảng dạy đã làm thay đổi cách canh tác của chúng tôi. Khó khăn mấy năm đầu, sau đó thấy hiệu quả rõ rệt”.
![]() |
Bà Phạm Thị Nhã bước vào vụ trồng dưa chuột mới. |
Hiệu quả từ liên kết chặt
Điều khác biệt lớn nhất của rau VietGAP là chọn vùng sản xuất, tạo vùng đệm cách ly, vùng rau phải quy hoạch cách xa khu công nghiệp và đường giao thông lớn.
Mô hình sản xuất rau an toàn phát triển theo hướng lâu dài và bền vững, vì vậy quy trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng, kỹ thuật dưới sự kiểm soát của HTX, doanh nghiệp, đơn vị liên kết mới được đưa vào thực hiện.
Giám đốc Trần Đức Vinh cho hay: “Để trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP được thuận lợi, Ban quản lý HTX tiến hành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP và phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên trong hệ thống, bao gồm tổ công tác và chính quyền địa phương. Điều này nhằm hướng dẫn người dân cách ghi chép, thống nhất các biện pháp kiểm soát tồn dư hóa chất, hàm lượng nitrat, vi sinh vật trong rau”.
Theo đó, HTX cung cấp giống, phân bón đạt chuẩn và kỹ thuật đảm bảo cho thành viên sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt của VietGAP.
Chia sẻ thành công trong xây dựng chuỗi sản xuất, ông Vinh nói: “Trong xây dựng chuỗi, HTX đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Khi đầu vào được cung cấp và liên tục hỗ trợ sát sao về kỹ thuật, cùng với đầu ra được bao tiêu 100%, thì thành viên HTX mới chuyên tâm sản xuất cho ra chất lượng cao nhất”.
Nhờ được kiểm soát chặt chẽ về quy trình, rau sạch Yên Mỹ đã được nhiều đơn vị ký hợp đồng thu mua với các nhóm sản xuất như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát và Công ty Davicorp để tiêu thụ các loại rau, củ quả.
Ông Khúc Văn Vương, thành viên HTX cho biết: “Khi chưa tham gia liên kết sản xuất với HTX, gia đình tôi sản xuất và tiêu thụ rau theo hình thức tự do. Nhà gieo trồng được loại rau nào thì mang ra chợ bán loại rau đó, nên giá bán không được ổn định, thu nhập cũng bấp bênh.
![]() |
Ông Khúc Văn Vương có hơn 2.600 m2 trồng rau, củ, quả theo mùa, mỗi năm sau khi trừ chi phí thu về 50-60 triệu đồng. |
Từ khi, tham gia HTX, gia đình tôi được tiếp cận với phương pháp sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, được HTX bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả sau thu hoạch với giá bán ổn định”.
Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình, ông Vinh cũng chia sẻ thêm: “Mô hình HTX trồng rau an toàn VietGAP đã được áp dụng thành công, đồng thời thay đổi tư duy canh tác, làm tăng thu nhập của người bà con trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng, gấp 2-3 lần so với cấy lúa”.
Cũng theo ông Vinh, hằng năm, Phòng Kinh tế đã chủ động phối hợp với Trung tâm phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, UBND các xã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình PGS cho trên 400 lượt người; thành lập 7 nhóm hộ sản xuất và bầu ra nhóm trưởng để giám sát các hộ cũng như để các hộ thực hiện giám sát chéo; định kỳ lấy mẫu kiểm tra xét nghiệm.
Tô Thương