![]() |
Kỹ thuật bao trái giúp người trồng xoài giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng năng suất, bảo vệ môi trường (Ảnh tư liệu) |
“Mặc áo” cho xoài
Đặt chân đến các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú) sẽ có không ít người ngạc nhiên khi vùng đất ven biển bốn bề là nước mặn, điều kiện khí hậu đầy khắc nghiệt lại đang có hàng chục mô hình trồng xoài xanh ngát, quanh năm trĩu quả.
Anh Trần Văn Nhọn (xã Thạnh Phong) chia sẻ: “Tuy là vùng ven biển, nước mặn nhưng ở những giồng cát thì có nước ngọt. Cát trữ nước ở tầng nông nên trồng cây ăn quả hay hoa màu đều rất tốt. Đặc biệt, cây xoài tứ quý cho quả ngon, tỷ lệ bột, độ ngọt cao nên trở thành đặc sản của địa phương”.
Theo anh Nhọn, xoài tứ quý cho trái quanh năm, nhưng để có trái đẹp, ngon thì người trồng phải rất dụng công chăm sóc. Hiện, gần như tất cả các hộ trồng xoài tại địa phương đã áp dụng phương thức bao trái xoài bằng túi chuyên dụng.
Việc bao trái giống như "mặc áo" cho trái xoài, các hộ phải dùng loại túi chuyên dụng, với nhiều màu khác nhau, các màu tương ứng với độ tuổi của trái. Theo đó, người trồng chỉ cần nhìn màu của túi bao để biết trái nào đến kỳ thu hoạch, không cần tốn công mở ra kiểm tra.
Đặc biệt, việc bao trái giúp các hộ trồng xoài hạn chế sự xâm nhập của sâu bệnh hại, từ đó giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá bán và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
“Bao túi đúng kỹ thuật, 1ha xoài sẽ cho lợi nhuận cao hơn 18 – 20 triệu đồng so với phương pháp cũ. Lượng thuốc trừ sâu bệnh giảm đi 5 - 10 kg/ha góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng”, anh Trần Văn Nhọn cho hay.
![]() |
HTX Thạnh Phong đang đặt mục tiêu xuất khẩu xoài tứ quý nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân (Ảnh TL) |
Nâng tầm thương hiệu
Ông Võ Văn Hiện - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú cho biết toàn huyện hiện có hơn 400ha trồng xoài. Vào năm 2019, “Xoài tứ quý Thạnh Phú” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Để đưa thương hiệu xoài của địa phương vươn xa, huyện đã chủ trương hỗ trợ thành lập HTX nhằm dẫn dắt các hộ trồng xoài theo hướng an toàn, nâng cao khoa học – kỹ thuật, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái để hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo đó, năm 2016, HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong được thành lập với 149 thành viên, tổng diện tích trồng xoài tứ quý lên đến hơn 30ha, trong đó có 16 ha thành viên trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm, sản phẩm của HTX được thị trường ưa chuộng với giá bán rất cao. Hiện, 100% sản phẩm của thành viên được HTX bao tiêu theo các hợp đồng ký kết với doanh nghiệp với giá cao hơn thị trường 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc HTX, cho biết: “Trong năm 2019, Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ HTX hơn 1,3 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, máy sấy, kho lạnh... và sản xuất thử nghiệm sản phẩm xoài sấy. Trong năm 2020, HTX sẽ tích cực chào hàng sản phẩm xoài sấy tại thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...”.
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật rất kỹ kỹ cho từng thành viên, đặc biệt trong việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
“Việc loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc hóa học độc hại không chỉ nhằm đem lại những sản phẩm chất lượng, mà còn hướng đến bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho thành viên HTX và cộng đồng dân cư xung quanh”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Trường nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, HTX đang nghiên cứu đa dạng các sản phẩm chế biến từ xoài như: rượu xoài, mứt xoài, bánh tráng...
Hưng Nguyên